Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường kim loại chìm sâu trong sắc đỏ, khi cả hai nhóm kim loại quý và kim loại cơ bản đồng loạt giảm giá. Cụ thể, giá bạc mất gần 2%, kết thúc tuần tại mức 31,75 USD/ounce, qua đó chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng giá liên tiếp. Tương tự, giá bạch kim cũng lao dốc 0,73%, chốt phiên cuối tuần ở 994,4 USD/ounce.

Giá kim loại ngày 14/10 suy yếu diện rộng

Giá kim loại quý chịu áp lực trong tuần qua là do căng thẳng địa chính trị tại khu vực Trung Đông hạ nhiệt đáng kể, căng thẳng đã không leo thang mạnh như lo ngại trước đó. Điều này làm giảm nhu cầu trú ẩn an toàn vào các tài sản như vàng, bạc, bạch kim.

Bên cạnh đó, kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục hạ lãi suất mạnh tay trong cuộc họp tháng 11 cũng suy giảm, tạo thêm áp lực lên giá kim loại quý. Cụ thể, sau loạt dữ liệu kinh tế tích cực gần đây, đặc biệt là báo cáo bảng lương, giới đầu tư không còn tin tưởng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản như một sự đảo chiều mạnh mẽ so với dự báo trước đó. Hơn nữa, một số quan chức FED thậm chí còn cảnh báo có thể sẽ không hạ lãi suất sau khi báo cáo lạm phát tháng 9 tăng nóng hơn kỳ vọng.

Trong khi đó, giá các kim loại cơ bản cũng lao dốc trong bối cảnh kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới của Trung Quốc gây thất vọng. Giá đồng mất 1,76%, rớt về mức 9.906 USD/tấn. Tương tự, giá quặng sắt để mất tới 2,2% giá trị, đóng cửa tuần ở 106,21 USD/tấn.

Ngoài ra, triển vọng nguồn cung lạc quan hơn cũng là yếu tố gây sức ép tới giá đồng trong tuần trước. Theo dữ liệu từ Ủy ban đồng Chile Cochilco, sản lượng đồng của Codelco, nhà cung cấp đồng lớn nhất thế giới, đạt 125.300 tấn trong tháng 8, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, do sản lượng tăng mạnh tại một số mỏ lớn như Escondida tăng 15,5% lên 105.300 tấn.

Trước đó, Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cũng cho biết thị trường đồng tinh chế toàn cầu dự kiến sẽ thặng dư 469.000 tấn trong năm nay, mức thặng dư này lớn hơn nhiều so với ước tính trước đó của nhóm công bố vào tháng 4 là 162.000 tấn.