Theo đó, giá điện tăng từ mức 2.006,79 đồng/kWh lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).

Như vậy, sau điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh. Mức tăng giá này, theo EVN, là để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân.

Giá điện tăng 4,8%, lên hơn 2.100 đồng/kWh từ 11/10

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11/10/2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Cụ thể: Giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 (0-50kWh) là 1.893 đồng/kWh.

Bậc 2 cho kWh từ 51-100 có giá là 1.956 đồng/kWh.

Bậc 3 cho kWh từ 101-200 có giá là 2.271 đồng/kWh

Bậc 4 cho kWh từ 201-300 có giá là 2.860 đồng/kWh

Bậc 5 cho kWh từ 301-400 có giá là 3.197 đồng/kWh

Bậc 6 cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.302 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ trên 34.244 tỉ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423 tỉ đồng.

Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) lỗ 21.821,56 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Ngoài khoản lỗ trên, kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành cũng cho hay các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18.032 tỉ đồng. Đây chủ yếu là khoản chênh lệch tỉ giá được treo lại từ năm 2019 đến 2023 chưa phân bổ vào giá thành.

Trong năm 2023, với hai lần tăng giá điện là 3% và 4,5%, doanh thu tăng thêm của ngành điện hơn 11.000 tỉ đồng, song EVN cho hay mức doanh thu tăng thêm này vẫn chưa đủ bù đắp chi phí.