Theo EVN, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực về việc đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện chuyển tiếp, từ ngày 9/3 vừa qua, Công ty Mua bán điện thuộc EVN (EPTC) đã có văn bản số 1790 gửi tới 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp đề nghị các vấn đề sau:

Một là rà soát các hồ sơ pháp lý của dự án tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và có ý kiến của đơn vị vận hành hệ thống điện về khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện liên quan đến dự án (theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư 15/2022/TT-BCT ngày 3/10/2022).

Hai là xây dựng phương án giá điện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền tương tự theo hướng dẫn tại Thông tư số 57/2020/TT-BCT ngày 30/12/2020 của Bộ Công Thương.

Ba là cung cấp các hồ sơ tài liệu của dự án theo danh mục mà EPTC gửi kèm.

Tuy nhiên cập nhật đến ngày 18/3, vẫn chưa có chủ đầu tư nào trong số 85 chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp gửi hồ sơ theo nội dung mà EPTC đề nghị.

Danh mục hồ sơ đề nghị các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN
Danh mục hồ sơ đề nghị các chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi cho Công ty Mua bán điện thuộc EVN.

Trong văn bản gửi các cơ quan báo chí, EVN nêu rõ, để có cơ sở triển khai đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện đối với các dự án chuyển tiếp theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, EPTC mong muốn sớm nhận được hồ sơ tài liệu từ các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp để có cơ sở tiến hành các bước tiếp theo theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Để có cơ sở triển khai theo đàm phán theo đúng quy định của cơ quan có thẩm quyền, EVN/EPTC mong muốn sớm nhận được hồ sơ tài liệu từ các chủ đầu tư dự án chuyển tiếp để có cơ sở tiến hành các bước tiếp theo theo quy định và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó, 36 nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo cho biết họ đã đầu tư 85.000 tỷ đồng vào các dự án song các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01 khiến họ vô cùng lo lắng và quan ngại, do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính cho nhà đầu tư, làm cho các doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng có phản hồi các kiến nghị này và khẳng định, việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 17 ngày 27/1/2022 về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp, Tờ trình số 1513 về việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và Báo cáo số 126 ngày 21/7/2022 về cơ chế đối với dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp.

Tại thông báo số 55 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về đề xuất của Bộ Công Thương về cơ chế xác định giá bán điện gió, điện mặt trời đối với các dự án chuyển tiếp, yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo các quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền ban hành khung giá phát điện (trong đó có khung giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp), Bộ Công Thương có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp lập khung giá phát điện áp dụng đối với dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện gió (NMĐG), nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) chuyển tiếp trình Cục Điều tiết điện lực thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Ngày 3/10/2022, lãnh đạo Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 15 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Hội đồng tư vấn độc lập để lấy ý kiến về khung giá phát điện cho Dự án chuyển tiếp được thành lập theo Quyết định số 2334 ngày 7/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, theo đó, Hội đồng gồm 9 thành viên là các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực điện, giá, tài chính, quản lý nhà nước về năng lượng. Việc tổ chức tính toán rà soát, xin ý kiến của các chuyên gia và các cơ quan có đơn vị có liên quan được thực hiện từ ngày 20/11/2022 đến ngày 30/11/2022.

“Việc dự thảo và ban hành Quyết định số 21 về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp hoàn toàn đảm bảo trình tự và thủ tục theo quy định”, Cục Điều tiết điện lực khẳng định.

Theo Quyết định 21, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185-1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587-1.816 đồng/kWh, tuỳ loại hình. Mức giá trần này thấp hơn 20-30% so với giá FIT ưu đãi 20 năm từng được đưa ra trước đây.

Các nhà đầu tư quan ngại những bất cập về pháp lý, hiệu quả tài chính thấp khiến họ lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản khi tổng vốn đầu tư của 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng gần 85.000 tỷ đồng, trong đó 58.000 tỷ đồng là vốn vay ngân hàng. Số tiền này sẽ không thể thu hồi, thậm chí, doanh nghiệp vỡ phương án tài chính với khung giá phát điện mới này.

Theo EVN Chưa có chủ đầu tư nào gửi hồ sơ tham gia đàm phán hợp đồng mua bán điện
Theo EVN chưa có chủ đầu tư nào gửi hồ sơ tham gia đàm phán hợp đồng mua bán điện. Ảnh minh họa

Giải thích thêm về phương pháp, Cục Điều tiết điện lực cho biết, kết quả tính khung giá dựa trên các thông số được các tổ chức tư vấn trong, ngoài nước cung cấp.

Theo đó, suất đầu tư điện gió, điện mặt trời trên thế giới xu hướng giảm dù chi phí vật liệu tăng cao. Các bên tư vấn chọn phương án khung giá trên cơ sở tổng mức đầu tư dự án không gồm 10% chi phí dự phòng.

"Khung giá phát điện được tính toán trên chi phí thực tế tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật của các nhà máy điện tái tạo đã ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN trước thời hạn cơ chế giá FIT hết hiệu lực", Cục này thông tin thêm.