Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 vượt 45 tỷ USD - Ảnh 1.

Tăng trưởng của ngành dệt may được kỳ vọng vào những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có EVFTA - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 44 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra là 47 tỷ USD. Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho biết, con số 44 tỷ USD là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp. Trong 6 tháng cuối năm 2022, các thị trường chính của dệt may Việt Nam rơi vào lạm phát, sức mua suy giảm mạnh, đến quý IV, đơn hàng đã giảm đến 30%, có doanh nghiệp giảm đến 70% đơn hàng ở thị trường châu Âu.

Cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới

Trước tình hình như vậy, Vitas vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng vượt kết quả của năm 2022. Theo ông Vũ Đức Giang, có nhiều yếu tố có thể giúp ngành dệt may tăng trưởng từ giữa năm 2023.

Đầu tiên là sự phục hồi của các thị trường Âu - Mỹ được dự đoán sẽ "nóng" trở lại từ cuối quý II năm sau.

Tiếp đó, tăng trưởng của ngành dệt may được kỳ vọng vào những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có EVFTA. Từ năm 2023, nhiều mặt hàng từ Việt Nam xuất sang EU chính thức được áp dụng thuế suất bằng 0 và lộ trình áp dụng cho tất cả mặt hàng ở các năm sau.

Những tín hiệu tích cực sau chuyến công tác châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy triển khai hiệp định thương mại với châu Âu. Ông Vũ Đức Giang cho rằng, chuyến công tác của Thủ tướng sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào công nghiệp dệt may, nhất là các dự án nguyên phụ liệu mà trong nước chưa chủ động được.

Một yếu tố quan trọng khác làm nền tảng cho ngành dệt may tăng trưởng là năng lực chủ động nguồn cung trong nước đang tăng dần tỉ trọng qua từng năm. Hiện ngành dệt may đã chủ động từ 45-47% nguồn cung. Phần còn lại chủ yếu là nguyên phụ liệu kỹ thuật cao vẫn đang nhập khẩu. Trong một thế giới mở, không nhất thiết một quốc gia phải chủ động toàn bộ chuỗi cung ứng. Tuy nhiên theo ông Vũ Đức Giang, nếu không chủ động được nguyên phụ liệu thì các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia không còn ý nghĩa với dệt may. Vì một trong những tiêu chuẩn để hàng hoá từ Việt Nam hưởng thuế suất bằng 0 là nguyên phụ liệu nội địa. Đây là động lực rất lớn cho dệt may Việt Nam để đầu tư sản xuất xơ, sợi và nguyên phụ liệu cũng như thu hút đầu tư FDI.

Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 vượt 45 tỷ USD - Ảnh 2.

Yêu cầu của các thị trường tiêu thụ hàng dệt may lớn hiện nay là sản phẩm phải có nguồn gốc sợi tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic - Ảnh: VGP/Băng Tâm

Lộ trình phát triển dệt may bền vững từ nguyên liệu xơ, sợi

Doanh nghiệp trong nước đang chủ động thích nghi trước yêu cầu của thị trường và các nhãn hàng về tiêu chuẩn phát triển bền vững đối với sản phẩm mệt may.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), nguyên liệu luôn là khâu đầu thực hiện "xanh hóa" như yêu cầu của Mỹ và châu Âu đặt ra. Do vậy, Vinatex đã tổ chức sản xuất các mặt hàng sợi từ nguồn nguyên liệu tái chế hoặc nguồn nguyên liệu organic. Trong 5 năm trở lại đây, tỉ lệ sản xuất ra sợi từ thành phần organic trong bông chiếm từ 30-35% trong tổng sản lượng. Đồng thời các nhà máy sản xuất nguyên liệu được trang bị điện mặt trời để đáp ứng tiêu chuẩn 20% năng lượng sử dụng trong nhà máy là năng lượng xanh.

"Đây là những tiêu chuẩn mới mà thế giới đưa ra, đòi hỏi chúng ta phải tăng năng lực trong chuẩn bị sản xuất, chuẩn bị năng lượng, nguyên liệu đáp ứng các yêu cầu khi tới năm 2024 sẽ có các báo cáo kiểm toán độc lập liên quan đến phát triển xanh khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Trường nhấn mạnh.

Với Vitas, tổ chức này cho biết đã trình Bộ Công thương và Chính phủ Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2035.

"Chiến lược của ngành dệt may Việt Nam là cơ sở quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của ngành. Từ đó, từng doanh nghiệp sẽ xây dựng giải pháp theo thực tế, để bắt kịp xu thế của các thị trường lớn như là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản", ông Vũ Đức Giang cho biết.

Vitas đã kiến nghị với Chính phủ, cũng như nêu rõ trong chiến lược phát triển dệt may Việt Nam vấn đề tài chính để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó có đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho các khu công nghiệp đạt chuẩn, đây là điều kiện đầu tiên nếu chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.

Để đạt được mục tiêu đặt ra cho năm 2023 và để ngành dệt may phát triển bền vững, Vitas đưa ra 5 nhóm giải pháp.

Đầu tiên là tiếp tục kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu giải quyết phần cung thiếu hụt của ngành.

Thứ hai là xây dựng các giải pháp bán hàng Fob, ODM…

Thứ ba là xây dựng giải pháp phát triển đầu tư công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch bắt kịp xu thế của toàn cầu.

Thứ tư là đẩy mạnh mục tiêu giải pháp chương trình đầu tư mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.

Thứ năm là đẩy mạnh đào tạo nguồn lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.