'Đại chiến thị phần' thương mại điện tử của các 'ông lớn' Shopee, Lazada là TikTok Shop
'Đại chiến thị phần' thương mại điện tử của các 'ông lớn' Shopee, Lazada là TikTok Shop

Mới đây, Tổng cục Thuế công bố thông tin từ quý 4/2022 và quý 1/2023, Cổng Thông tin thương mại điện tử ghi nhận hàng trăm sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin, trong đó có nhiều sàn chiếm thị phần lớn như: Shopee, Lazada, Sendo, Voso, Tiki…

Trong báo cáo mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm 2023.

Theo đó, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo báo cáo về thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong quý 1 từ Metric – một nền tảng số liệu thương mại điện tử, Shopee tiếp tục giữ vị trí đầu bảng với thị phần tổng doanh thu lên tới 63,1%. Đáng chú ý, con số của "ông trùm bán hàng online" Shopee đã không có thay đổi từ quý I đến quý II/2023.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng đã thay đổi ở các vị trí 2 và 3. Cụ thể: quý II/2023, Tiktok Shop chính thức vượt qua Lazada, vươn lên là sàn TMĐT lớn thứ 2 tại Việt Nam, sau Shopee.

Theo đó, Shopee đạt doanh thu 59.000 tỉ đồng, với 667 triệu sản phẩm được bán ra, 254.000 lượt shop có lượt bán ra.

TikTok Shop vượt qua Lazada để vươn lên thứ 2 về thị phần doanh thu với 16.300 tỉ đồng (117 triệu sản phẩm được bán ra, 107,7 nghìn shop có lượt bán ra).

Lazada rơi xuống số 3 với các con số tương ứng là 15.700 tỉ đồng doanh thu, 117,5 triệu sản phẩm bán ra, 110,7 triệu shop có lượt bán ra.

2 sàn Tiki và Sendo có doanh số rất nhỏ so với top 3. Cụ thể, Tiki (1.600 tỉ đồng doanh thu, 5,8 triệu sản phẩm bán ra, 17.800 shop có lượt bán ra), Sendo (112,3 tỉ đồng tổng doanh thu, 511.000 sản phẩm bán ra, 9.800 shop có lượt bán ra) lần lượt đứng thứ 4 và 5.

'Đại chiến thị phần' thương mại điện tử của các 'ông lớn' Shopee, Lazada là TikTok Shop

Theo phân tích của chuyên gia Momentum Works, nếu Shopee tập trung vào mô hình 3P (third party) - các nhà bán hàng bán trực tiếp tới tay người dùng, thì Tiki duy trì cả hai hình thức 3P và 1P. Trong đó, 1P là mô hình mà Tiki vừa nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển tới tay khách hàng - khá tương tự cách thức vận hành của Amazon.

Giá trị giao dịch hàng hóa từ 1P chiếm tới 45% tổng giá trị giao dịch hàng hóa của Tiki. Mô hình này giúp Tiki kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn - điều đã trở thành thương hiệu của nền tảng thương mại điện tử này, nhưng cũng bộc lộ nhiều điểm yếu.

Cụ thể, giá trị giao dịch hàng hóa đến quá nhiều từ 1P tại một thị trường thương mại điện tử ở giai đoạn sớm khiến Tiki tốn nhiều chi phí, trong khi việc mở rộng quy mô bị hạn chế. Việc tự nhập hàng - tự bán dẫn đến tính đa dạng sản phẩm/người bán thấp hơn nhiều so với các nền tảng Marketplace khác như Shopee hay Lazada. Doanh thu của Tiki năm 2022 giảm 7% so với năm trước đó.

“Tiki theo đuổi mô hình tốn quá nhiều chi phí để tiếp cận khách hàng, giành thị phần. Đồng thời, đầu tư lớn vào logistics cho hệ thống giao hàng riêng”, một chuyên gia thương mại điện tử nhận xét.

Trong khi đó, nguồn tin từ Tiki cho biết, Tiki đang hoạt động không tốt vì các đối thủ mạnh như Shopee và sự phát triển thần tốc của TikTok Shop.