Nhiều người tiêu dùng đã kêu gọi tẩy chay kịch liệt tất cả các thương hiệu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức để sản xuất bông ở Tân Cương. Song vào hôm chủ nhật 28/3, Nike và Adidas vẫn hoạt động bình thường trên các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao và JD.com.

Dù một số nghệ sĩ nổi tiếng đã lên tiếng cắt đứt quan hệ với những công ty như Adidas và Nike, các đội tuyển bóng đá của nước này vẫn "bình chân như vại". Trái ngược với H&M, hai hãng giày và đồ dùng thể thao của Mỹ, Đức không đưa ra lời xin lỗi nào sau khi cư dân mạng Trung Quốc đào lại các bình luận có từ năm ngoái về Tân Cương.

Bị kêu gọi tẩy chay nhưng Nike vẫn cháy hàng trong đợt mở bán mới tại Trung Quốc

Thay vào đó, Nike đã tung ra đợt giảm giá cực "sốc" với những đôi giày thể thao nữ chỉ tầm 699 NDT (khoảng 2.500.000 đồng) trên Tmall, thu hút 350.000 lượt đăng ký. Những sản phẩm này đã "cháy hàng" ngay lập tức, theo báo South China Morning Post (SCMP).

Tối ngày 26/3, Nike rơi vào tình trạng cháy hàng khi có gần 337 nghìn người đặt lịch mua mẫu giày thời trang nữ của hàng này. Một giây sau khi đợt bán hàng bắt đầu, doanh số của Nike đã tăng lên con số khổng lồ, tất cả các size cũng thi nhau hết hàng.

Lượng đơn khủng trong đợt mở bán này đã tạo ra nghịch lý trong đợt kêu gọi tẩy chay.
Lượng đơn khủng trong đợt mở bán này đã tạo ra nghịch lý trong đợt kêu gọi tẩy chay.

Trên thực tế, theo SCMP, ngay từ những ngày đầu tiên của phong trào tẩy chay, bất chấp những lời kêu gọi "cạch mặt" trên mạng xã hội, một số vị khách trung thành của các nhãn hàng tỏ ra không quan tâm đến "trò chơi chính trị".

Teresa Bai, một vị khách ghé cửa hàng thời trang H&M ở Shimao Tianjie (Bắc Kinh), chia sẻ: "Đây là 'trò chơi chính trị' giữa Trung Quốc và Mỹ. Thực ra, tôi nghĩ H&M cũng chỉ là nạn nhân. Họ buộc phải chọn giữa thị trường phương Tây và thị trường Trung Quốc, và họ đã chọn bên thứ nhất, nơi có thị phần lớn hơn".

Bình luận về những chỉ trích trên mạng, cô nghĩ rằng người tiêu dùng nên thành thật với nhận định của chính mình, đừng tẩy chay một cách mù quáng. "Còn về phần tôi, tôi sẽ cứ mua những gì mình thích", Bai thẳng thắn.

SCMP cũng bắt gặp một thanh niên khác đang mải mê chọn giày trong cửa hàng Nike giữa làn sóng tẩy chay. "Là một người sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, tất nhiên tôi nên phản đối Nike. Nhưng kiểu dáng đẹp thế này làm sao tôi có thể tẩy chay cho được?".

Tuần trước, một làn sóng tẩy chay các thương hiệu quốc tế như H&M và Burberry đã nổ ra trên Internet sau khi Đoàn thanh niên Trung Quốc (Chinese Youth League) chia sẻ một bài đăng trên tài khoản Weibo chính thức liên quan đến những tuyên bố trong quá khứ của H&M về sản phẩm bông, sợi Tân Cương.

Nhiều tháng trước, H&M bày tỏ quan ngại về tình trạng bóc lột lao động ở Tân Cương và nói rằng sẽ không dùng sản phẩm bông, sợi có nguồn gốc từ Tân Cương nữa. Nội dung này được cộng động màn Trung Quốc lục lại và là "nguồn cơn" của đợt tẩy chay lần này.

Thương hiệu thời trang Thuỵ Điển H&M là cái tên bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt tẩy chay. Hiện tại, H&M đã bị gỡ khỏi nhiều sàn thương mại điện tử và ứng dụng bán lẻ lớn. Cùng lúc, nhiều cửa hàng H&M tại các thành phố ở Trung Quốc đóng cửa.