Những ngày đầu tháng 10/2024, Momentum Works, công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Singapore tiết lộ, Temu - ứng dụng thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc, đang lên kế hoạch ra mắt tại Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong chiến lược mở rộng tại Đông Nam Á.

Bên cạnh Việt Nam, Temu cũng sắp ra mắt tại Brunei, nâng tổng số thị trường trong khu vực này lên 5 quốc gia.

Ngoài ra, còn có tin đồn cho rằng Temu đang đàm phán với một nền tảng thương mại điện tử địa phương tại Việt Nam với khả năng mua lại, tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận.

Sàn thương mại điện tử giá rẻ đình đám của Trung Quốc đang tiến vào thị trường Việt Nam
Sàn thương mại điện tử giá rẻ đình đám mang tên Temu của Trung Quốc đang tiến vào thị trường Việt Nam

Nền tảng mới chỉ 2 năm tuổi này từng làm mưa làm gió ở thị trường Mỹ hiện đang tích cực tiếp cận thị trường Đông Nam Á. Sau khi xuất hiện ở Philippines và Malaysia cách đây hơn 1 năm, đồng thời bắt đầu giao hàng ở Thái Lan vào tháng 7/2024 thì hiện Temu đã có mặt ở Việt Nam lẫn Brunei.

Tính đến 7/10/2024, Temu đã xuất hiện tại 5 thị trường Đông Nam Á, hoạt động tổng cộng tại 82 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trên thực tế từ tháng 7/2024, người trong ngành đã biết đến khả năng Temu sẽ gia nhập thị trường Việt Nam.

Hiện phiên bản ra mắt trang web Temu Việt Nam còn khá thô sơ khi mới chỉ có tiếng Anh chứ không phải tiếng Việt, chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng chứ chưa có ví điện tử địa phương, đồng thời cũng chỉ có 2 đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần được kết nối là Ninja Van và Best Express.

Theo trang web của Temu, việc vận chuyển hàng hóa sẽ mất khoảng 4-7 ngày, nhanh hơn nhiều so với 5-20 ngày tại thị trường Malaysia và Philippines. Điều này dễ hiểu vì việc vận chuyển từ Quảng Châu đến Việt Nam có thể dễ dàng thực hiện qua đường bộ.

Động thái của Temu được cho là dễ hiểu khi báo cáo Thương mại điện tử (TMĐT) tại Đông Nam Á 2024 của Momentum Works nhấn mạnh Việt Nam là thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất vào năm 2023, với tốc độ tăng trưởng GMV theo năm là gần 53%.

Nhiều người hoạt động ngành thương mại điện tử nhận xét việc Temu gia nhập thị trường Việt Nam không có gì bất ngờ khi các sàn nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc đang đẩy mạnh khai thác tại thị trường khác trước bối cảnh sức mua online tại nước họ đang giảm sút.

Đáng chú ý hơn, thị trường còn xuất hiện thông tin bên lề về việc Temu đang đàm phán với mua lại một sàn thương mại điện tử nào đó đang kinh doanh kém hiệu quả hoặc không còn sức để cạnh tranh tại Việt Nam để hỗ trợ khâu bán hàng của họ tốt hơn.

Trước Temu, mới đây, sàn thương mại điện tử 1688 (chuyên buôn hàng sỉ hàng đầu của Trung Quốc và do tập đoàn Alibaba quản lý) - phiên bản trên iOS - đã hỗ trợ thêm ngôn ngữ tiếng Việt để hỗ trợ người dùng Việt mua hàng thuận tiện.

Ngoài ra, YouTube cũng dự định triển khai hình thức tiếp thị liên kết với một sàn thương mại để cạnh tranh với TikTok Shop.

Theo báo cáo của Công ty Phân tích tư vấn và phát triển kênh TMĐT YouNet ECI cho thấy trong quý II/2024, Shopee tiếp tục giữ ngôi vương khi chiếm tới 71,4% thị phần, xếp sau là TikTok Shop chiếm 22% thị phần.

Phần ít ỏi còn lại thuộc về Lazada (5,9%) và Tiki (0,7%). Trong khi đó, sàn Sendo với thị phần quá ít nên không được đưa vào bảng xếp hạng này.

Như vậy, thương mại điện tử tại Việt Nam gần như bị chiếm lĩnh bởi các sàn ngoại. Chẳng hạn, sàn Shopee thuộc tập đoàn SEA, được thành lập và đặt trụ sở chính tại Singapore (chính thức gia nhập vào thị trường Việt Nam năm 2018). TikTok Shop thuộc sở hữu của ByteDance (Trung Quốc), đổ bộ vào Việt Nam từ năm 2022, Lazada thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba...