1. Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) - Giá trị vốn hóa: 388.540 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đạt được những thành tựu như sau: tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng; huy động vốn thị trường I đạt gần 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỉ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020.

Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; dư nợ tín dụng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước với số tiền xấp xỉ 11.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, Vietcombank phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: Tổng tài sản tăng 8%, tín dụng tăng 12%, dư nợ tín dụng tăng 15%; huy động vốn dự kiến tăng 9%, phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng; tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%. Vietcombank đặt mục tiêu tăng tối thiểu 12% lợi nhuận trước thuế so với năm trước, tương đương mức trên 30.676 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến phát hành 856 triệu cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ phát hành 18,1%, tức là cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới. Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ mức 47.325 tỷ đồng hiện nay lên hơn 55.891 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là trong năm 2022.

2. Công ty Cổ phần Vinhomes (VHM) - Giá trị vốn hóa: 330.061 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Năm 2021, CTCP Vinhomes đã công bố báo cáo tài chình, trong đó lũy kế cả năm 2021, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vinhomes tăng 19% so với năm trước lên 85.094 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 48.469 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 39.017 tỷ đồng, tăng tương ứng 33% và 43% so với năm 2020. Với kết quả đạt được, Vinhomes đã là quán quân lợi nhuận trên sàn chứng khoán năm 2021.

Theo lãnh đạo Vinhomes, trong giai đoạn 2022 - 2024, công ty sẽ mở bán ba đại dự án mới tại khu vực phía bắc Dream City (tỉnh Hưng Yên), Wonder Park (Đan Phượng, Hà Nội) và Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Doanh số bán hàng được kỳ vọng sẽ tăng từ năm 2022. Đồng thời, Công ty tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tân tiến nhất để mang tầm vóc và trí tuệ Việt vào những công trình “Made in Vietnam”. Do đó, doanh thu, lợi nhuận của Vinhomes được dự báo tăng vào năm 2023 và tăng nhanh hơn vào năm 2024 với mức tăng trưởng trên 20%.

3. Tập đoàn Vingroup (VIC) - Giá trị vốn hóa: 309.692 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Năm 2021, hoạt động kinh doanh bất động sản cho thuê, nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí của Tập đoàn Vingroup chịu ảnh hưởng lớn bởi các đợt giãn cách xã hội kéo dài. Do đó, tính chung cả năm, Vingroup đạt 125.306 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.346 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng. Số liệu báo cáo tài chính cho thấy, nguồn thu chủ yếu của Vingroup vẫn từ mảng bất động sản, thu về 78.800 tỷ, chiếm 63% tổng doanh thu.

Trong khi đó, công ty con - Vincom Retail mở rộng gói hỗ trợ khách thuê với quy mô lên tới 2.115 tỷ đồng cũng khiến doanh thu bị ảnh hưởng đáng kể. Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong năm, Vingroup đã chi 6.099 tỷ đồng để tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch và các hoạt động liên quan. Đến nay, tập đoàn này đã chi hơn 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phòng, chống Covid-19.

Ngoài ra, việc Vingroup quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện cũng khiến tập đoàn phải ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí phải trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.

Hiện tại, tình hình bắt đầu có cải thiện từ quý IV/2021 với chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine và Vinpearl đã đón 2 đoàn khách quốc tế từ Nga, Uzbekistan tới Phú Quốc và Nha Trang. Năm 2022, với việc tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao và đường bay quốc tế dự kiến mở lại, kết quả kinh doanh của Vinpearl được kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn.

Năm 2022, kết quả kinh doanh mảng bán bất động sản tăng mạnh và mảng cho thuê bán lẻ phục hồi là 2 yếu tố quan trọng thúc đẩy lợi nhuận của Vingroup trong năm 2022, theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, VCSC đã đưa ra mức giá mục tiêu 112.000 đồng/cổ phiếu VIC và nâng khuyến nghị từ "Khả quan" lên "Mua" vì giá cổ phiếu đã điều chỉnh 27% trong 3 tháng qua.

Theo đó, VCSC dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Vingroup đạt 17,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 nhờ lợi nhuận từ mảng bán bất động sản tăng mạnh và lợi nhuận từ mảng cho thuê bán lẻ phục hồi, nhưng bị ảnh hưởng bởi khoản lỗ đối với mảng công nghiệp và khách sạn nghỉ dưỡng. Dự báo lợi nhuận ròng của Vingroup đạt 1,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2022, cải thiện so với mức lỗ ròng vào năm 2021.

4. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) - Giá trị vốn hóa: 220.046 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Năm 2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, duy trì hoạt động thông suốt, an toàn; chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Đến hết 31/12/2021, tổng tài sản khối Ngân hàng thương mại đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 16,3% so với 2020, giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Cả năm, lợi nhuận hợp nhất của nhà băng này đạt 13.500 tỷ, tăng 50% so với năm trước. Trong đó, chênh lệch thu chi của BIDV như mọi năm dẫn đầu khối ngân hàng thương mại, đạt gần 41.760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước. Huy động vốn tổ chức tăng gần 17% so với năm 2020, chiếm hơn 11% thị phần tiền gửi toàn ngành. Dư nợ tín dụng của BIDV tăng 11,8% so với năm 2020 (hạn mức được giao là 12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường.

Nhà băng này cũng cho biết đã trích lập trích đủ 100% dự phòng cho nợ cơ cấu vì COVID-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 235% - mức cao nhất trong lịch sử của nhà băng này. Tức mỗi đồng nợ xấu, BIDV đang trích dự phòng 2,35 đồng. Chất lượng tài sản của nhà băng này cũng được cải thiện khi tỷ lệ nợ xấu giảm xuống mức 0,81%.

Năm 2022, BIDV nhận định, nhu cầu tín dụng năm nay vẫn ở mức cao và có thể tăng 14% nhờ kinh tế tiếp tục hồi phục. Ngoài ra, gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong 2-3 năm tới cũng góp phần giúp tăng trưởng tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng.

Bên cạnh đó, SSI Research ước tính BIDV sẽ đạt 19.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 (tăng 42,4% so với cùng kỳ), chủ yếu do các chỉ số chất lượng tín dụng tốt tại thời điểm cuối năm 2021. Theo đó, chi phí tín dụng năm 2022 ước tính đạt 1,76%.

5. Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) - Giá trị vốn hóa: 207.281 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Các chỉ tiêu tài chính hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 13-66% (doanh thu gần 80 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.380 tỷ đồng), đóng góp gần 6 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời nằm trong Top đầu đơn vị có các chỉ số tài chính khả quan trong Tập đoàn (chỉ số ROE đạt 16,8%, ROA đạt 11,4%); Top đầu những đơn vị có vốn hóa lớn trên thị trường, có tỉ lệ chia cổ tức duy trì hằng năm bằng tiền mặt cao (25%/vốn điều lệ).Năm 2021, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đã cung cấp 7.093,7 tỷ m3 khí khô; sản xuất và cung cấp trên 61.200 tấn condensate; 1.975,8 triệu tấn LPG (đạt 123% kế hoạch và về đích trước kế hoạch 02 tháng); tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần LPG cả nước.

Một dấu ấn của PVGAS trong năm ngoái là công tác đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng ngành công nghiệp khí, đặc biệt các dự án LNG, chế biến sâu (dự án kho LNG 1 triệu tấn, kho LNG 3 triệu tấn tại Thị Vải; chế biến sâu khí từ nguồn Sư Tử Trắng giai đoạn 2B; kho LNG/LPG lạnh khu vực miền Bắc...). Với giá trị giải ngân cho công tác đầu tư xây dựng công ty mẹ đạt gần 5.000 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch và toàn PV GAS giải ngân trên 5.700 tỷ đồng, đây là một trong những đơn vị có mức giải ngân khá cao trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.

Đó là nội dung trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của PV GAS vào ngày 15/4/2022 mới đây. Đối với kế hoạch trong năm nay, PV GAS đã đưa ra các giải pháp ứng phó và đặt kế hoạch năm 2022 với: Tổng doanh thu 80.043 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 8.791 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế 7.039 tỷ đồng; Nộp ngân sách Nhà nước 4.062 tỷ đồng. Cùng với đó, năm 2022, PV GAS dự kiến sẽ hoàn thành thi công, đưa vào vận hành Dự án Kho LNG 1 MMTPA tại Thị Vải và các dự án thành phần; Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, phát triển thị trường tiêu thụ khí/LNG và sản phẩm khí trong và ngoài nước; Tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư/đầu tư kho LNG/LPG tại khu vực phía Bắc...

6. Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) - Giá trị vốn hóa: 201.729 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Lũy kế năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận doanh thu 150.800 tỷ đồng, tăng 65% so với 2020. Lợi nhuận sau thuế lần đầu cán mốc 34.520 tỷ đồng, vượt 92% kế hoạch năm và tăng 1,56 lần với năm trước. Với kết quả trên, Hòa Phát tiếp tục giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, lần lượt là 32,6% và 24,7%. Tôn Hòa Phát nằm trong Top 5 nhà sản xuất lớn nhất với 8%. Hòa Phát cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được HRC.

Tập đoàn đang tập trung triển khai nhiều dự án lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Cảng tổng hợp tại Khu kinh tế Dung Quất, Nhà máy sản xuất container tại Bà Rịa -Vũng Tàu, Nhà máy sản xuất hàng điện máy gia dụng tại Hà Nam... Những dự án này hoàn thành sẽ nâng tầm quy mô và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn cho Tập đoàn Hòa Phát.

Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự phóng doanh thu năm 2022 của HPG đạt 182.700 tỷ đồng (+22.1% YoY), lợi nhuận sau thuế đạt 30.550 tỷ đồng (-11.5% YoY). Với kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thép nhờ nhu cầu phục hồi, đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ. Hòa Phát là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi khi cung cấp thép xây dựng cho một loạt các dự án đầu tư công trọng điểm. Giá thép xây dựng của Hòa phát có 3 đợt tăng giá tính từ đầu năm tới nay với lần lượt từng mức tăng là 200, 300, 300 đồng/kg, với mức tăng giá lũy kế 800đ/kg, giá thép hòa phát tăng 5% từ đầu năm.

7. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (TCB) - Giá trị vốn hóa: 173.966 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Trong năm 2021, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trước thuế vượt mốc một tỷ USD. Theo đó, Techcombank đã đạt 5,2 nghìn tỷ đồng doanh thu, và lợi nhuận trước thuế đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 59,4% và 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối năm, tổng tài sản của Techcombank tăng 29% so với đầu năm lên 568.800 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng của khách hàng tăng 22% theo hạn mức được cấp, đạt 388.300 tỷ. Tiền gửi huy động tăng hơn 13% lên 314.800 tỷ.

Trong giai đoạn 2021-2025, Techcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng vốn hóa 20 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở khoảng 20%, tỷ lệ thu nhập từ phí (NFI/TOI) đạt 30% và tỷ lệ CASA là 55%. Ngân hàng cũng hướng đến việc hiện thực hóa tầm nhìn "Chuyển đổi ngành tài chính, nâng tầm giá trị sống".

Năm 2022, Techcombank vẫn tiếp tục có kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Trong đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu TCB với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho người lao động. Số tiền thu được sẽ dùng để bổ sung vốn hoạt động của ngân hàng. Sau giao dịch, vốn điều lệ của Techcombank sẽ tăng thêm hơn 63 tỷ đồng, đạt trên 35.172 tỷ đồng.

Đồng thời, Techcombank cũng đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 22,4724% lên 22,4595%. Lý do là bởi đối tượng tham gia chương trình ESOP năm nay sẽ bao gồm cả lao động nước ngoài, dẫn tới sự thay đối về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng.

Tại đại hội năm nay, Techcombank sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh khá khiêm tốn cho năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ tăng 16,2% so với năm trước, lên mức 27.000 tỷ đồng. Techcombank dự kiến tăng trưởng tín dụng ở mức 15% hoặc cao hơn nhưng trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép, khoảng hơn 446.500 tỷ đồng. Về huy động vốn, Techcombank cho biết sẽ quản lý phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn vốn huy động. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.

8. Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) - Giá trị vốn hóa: 169.077 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lần đầu đạt 61.012 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020. Kỷ lục doanh thu này được đóng góp bởi sự tăng trưởng từ cả 3 mảng là nội địa, xuất khẩu và chi nhánh nước ngoài. Đơn cử, về xuất khẩu, doanh thu thuần đạt 6.128 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Vinamilk cũng vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 64.070 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 9.770 tỷ đồng, giảm 8% so với 2021. Nếu không thể vượt kế hoạch, 2022 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp có lợi nhuận giảm.

Bên cạnh đó, Vinamilk sẽ trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ 38,5% trong đó công ty đã tạm ứng 2 đợt vào tháng 9/2021 (15%) và tháng 1/2022 (14%). Cổ tức còn lại 9,5% (01 cổ phiếu nhận 9.500 đồng) dự kiến sẽ được chi trả vào ngày 19/8/2022 theo danh sách cổ đông chốt ngày 7/7 trước đó. Vinamilk cũng trình cổ đông phương án cổ tức năm 2022 với cùng tỷ lệ 38,5% tương ứng số tiền dự chi hơn 8.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15% cùng thời điểm với cổ tức còn lại của năm 2021.

Năm nay, Vinamilk sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp bền vững, ứng dụng công nghệ Internet vạn vật, dữ liệu lớn, và tự động hóa và robotics. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ khai thác cơ hội kinh doanh tại các thị trường mới thông qua các hoạt động M&A, JV, hoặc đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ và đầu tư các dự án startup khởi nghiệp phù hợp với chiến lược tăng trưởng của công ty; tiếp tục củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm cơ hội chuyển dịch đầu tư sản xuất tại chỗ. Đơn vị này cũng sẽ phát triển hệ thống trang trại bò sữa đạt tiêu chuẩn quốc tế cùng với việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới.

9. Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) - Giá trị vốn hóa: 167.872 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Trong năm 2021, doanh thu thuần hợp nhất của Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan đạt 88.629 tỷ đồng, tăng 14,8% so với mức 77.218 tỷ đồng của năm 2020. Năm 2022, Masan dự báo doanh thu thuần hợp nhất sẽ từ 90 - 100 nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2021, tổng nợ hợp nhất của Masan là 58.178 tỷ đồng, giảm 3.833 tỷ đồng so với cuối năm 2020.

Đặc biệt cao nhất là WinCommerce đạt doanh thu thuần 30.900 tỷ đồng, chỉ giảm 0,3% so với năm 2020 dù số lượng điểm bán từ đầu năm 2021 ít hơn 618 địa điểm so với đầu năm 2020. Dù dịch COVID-19 hạn chế việc mở rộng hệ thống cửa hàng, WCM vẫn mở mới 388 siêu thị mini trong năm 2021.

Trong năm tài chính 2022 doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90 - 110 nghìn tỷ đồng. Theo dự báo sơ bộ mà Masan công bố, trong năm tài chính 2022 doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group ước tính sẽ từ 90 - 110 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% – 36% so với mức 74,2 nghìn tỷ đồng (loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi) trong năm 2021.

Trong năm tài chính 2021, doanh thu từ các mảng kinh doanh phục vụ người tiêu dùng (không bao gồm mảng thức ăn chăn nuôi và MHT) đóng góp 68% vào tổng doanh thu và dự kiến sẽ tăng lên 85% trong năm tài chính 2022. Lợi nhuận thuần trong hoạt động kinh doanh chính (loại trừ các khoản lãi/lỗ 1 lần và mảng thức ăn chăn nuôi) ước tính sẽ trong khoảng 5 - 7 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 32% – 84% so với mức 3,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.

10. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) - Giá trị vốn hóa: 165.372 tỷ đồng

Kỳ vọng gì về hoạt động kinh doanh năm 2022 của Top 10 có doanh thu cao nhất sàn HOSE

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt gần 548 nghìn tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384 nghìn tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt gần 38.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với năm 2020. Trong đó, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng mẹ là gần 14.011 tỷ đồng, tăng 50,6% so với năm 2020.

Năm 2022, VPBank dự kiến tổng tài sản tăng 27%, lên 697.413 tỷ đồng; tiền gửi tăng 28% và tín dụng tăng 35%. Ngân hàng này đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế năm 2022 lên mức 29.662 tỷ đồng, tăng tới 107% so với năm trước, cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh tính đến thời điểm này.

VPBank cho biết con số tăng trưởng tín dụng 35% được đưa ra trên nhu cầu và năng lực của ngân hàng, còn số liệu thực tế sẽ thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa và quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Song song với kế hoạch lợi nhuận “khủng”, VPBank lên kế hoạch mạnh tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 50%, tức là mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới. Tổng nguồn vốn dự kiến sử dụng để tăng vốn điều lệ là 22.377 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn, dự kiến vốn điều lệ mới là 67.434 tỷ đồng.