IPO là gì? Doanh nghiệp muốn IPO phải đáp ứng điều kiện gì? Thủ tục IPO ra sao?
IPO là gì? Doanh nghiệp muốn IPO phải đáp ứng điều kiện gì?

IPO là gì?

IPO là từ viết tắt của khái niệm Initial Public Offering - hình thức huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng. Ngoài vốn cổ đông lớn trong công ty, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nhiều nguồn vốn khác thông qua hình thức IPO.

Các doanh nghiệp IPO là những đơn vị chưa từng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Ngay khi thực hiện, doanh nghiệp thành công ty đại chúng đồng thời tuân thủ các quy định của thị trường giao dịch tập trung.

Trong kinh doanh còn có cả thị trường IPO - Đây là nơi tập hợp các hoạt động giao dịch, mua bán cổ phiếu ngay trong lần phát hành đầu tiên ra công chúng. Thị trường này giúp nhà đầu tư sở hữu lượng lớn cổ phiếu của doanh nghiệp với giá tốt, trở thành cổ đông, và có đầy đủ quyền lợi theo quy định.

Hoạt động IPO không chỉ dành cho cổ phiếu mà còn thực hiện đối với các sản phẩm chứng quyền, tùy thuộc vào chiến lược của từng doanh nghiệp.

Tại sao doanh nghiệp phải IPO?

Như đã nói doanh nghiệp tiến hành IPO nhằm các mục đích, mục đích đó chính là lý do giải thích vì sao doanh nghiệp này IPO, doanh nghiệp kia thì không. Có những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp tiến hành IPO.

Thứ nhất, doanh nghiệp IPO để huy động vốn: Mục đích lớn nhất của IPO là huy động vốn từ công chúng. So với việc giới hạn các cổ đông lớn, IPO giúp doanh nghiệp có nguồn vốn lớn hơn gấp nhiều lần. Đặc biệt, nguồn vốn huy động không là nợ phải trả mà được xem là vốn chủ, giảm áp lực trả lãi vay cho doanh nghiệp.

Thứ hai, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động: Thông qua IPO, doanh nghiệp sẽ hoạt động trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung, nên mọi thông tin và báo cáo tài chính sẽ cần chuẩn mực và minh bạch. Doanh nghiệp buộc phải nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sản xuất hiệu quả để tăng trưởng lợi nhuận.

Thứ ba, giúp doanh nghiệp tăng giá trị tài sàn. Ngay khi IPO thành công, giá trị doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể. Khi này, giá trị sẽ dựa vào thị trường chứng khoán chứ không chỉ là giá trị sổ sách. Nếu doanh nghiệp đã có nền tảng hoạt động tốt trước đó thì đợt IPO sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư, tăng ngay giá cổ phiếu trong ngắn hạn và dài hạn.

Điều kiện để doanh nghiệp IPO là gì?

Yêu cầu hiện tại đối với doanh nghiệp thực hiện IPO như sau:

Vốn điều lệ ít nhất 30 tỷ tại thời điểm đăng ký IPO. Mức vốn này tính theo giá trị sổ sách kế toán.

Kết quả kinh doanh trong hai năm gần nhất có sự tăng trưởng, không thua lỗ lũy kế. Ngoài ra, doanh nghiệp không thuộc diện truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vi phạm các quy định quản lý của pháp luật.

Phương án hoạt động được chuẩn bị chi tiết cụ thể, trong đó giải trình về cách thức sử dụng vốn sau chào báo là gì đồng thời có sự chấp thuận của các cổ đông hiện hữu.

Tỷ lệ số cổ phiếu có quyền biểu quyết cho ít nhất 100 nhà đầu tư, chiếm 15% và không phải là cổ đông lớn. Tỷ lệ này giảm còn 10% cho doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 1000 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp cam kết luôn nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ trong vòng 1 năm sau thời điểm kết thúc IPO.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn cần thỏa điều kiện về đơn vị tư vấn IPO, tài khoản phong tỏa nhận tiền huy động hoặc những cam kết hoạt động tập trung trên sàn giao dịch.

Thủ tục IPO như thế nào?

Ngay khi đáp ứng các điều kiện cần thiết, doanh nghiệp sẽ tiến hành IPO theo các bước sau:

Bước 1: Làm việc với đơn vị tư vấn - kiểm toán và tổ chức bảo lãnh (nếu cần) để lên phương án cần thiết.

Bước 2: Định giá cổ phiếu phù hợp. Đây là việc vô cùng quan trọng. Giá cổ phiếu không nên quá cao sẽ khó thu hút nhà đầu tư, cũng không nên quá thấp sẽ không phản ánh được giá trị doanh nghiệp cũng như không huy động nguồn vốn cần thiết.

Bước 3: Đồng thuận với cổ đông về kế hoạch IPO trong đó chi tiết các nội dung về mục đích huy động, phương án sử dụng vốn, cách thức phát hành chứng khoán, đối tượng chào bán,...

Bước 4: Chuẩn bị giấy tờ quan trọng bao gồm: giấy đăng ký IPO, bản cáo bạch công ty, các quyết định đại hội cổ đông, bản điều lệ, hợp đồng với đơn vị tư vấn và các văn bản cam kết theo quy định.

Bước 5: Nộp hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán. Sau đó, doanh nghiệp đợi văn bản kiểm tra và xác nhận.

Bước 6: Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ thông tin trên phương tiện truyền thông cho công chúng

Bước 7: Ngay sau khi tiến hành, doanh nghiệp sẽ đăng ký lưu trữ, chuyển giao và thanh toán tại trung tâm lưu ký VSD và ủy ban chứng khoán Nhà nước. Doanh nghiệp cũng báo cáo kết quả huy động vốn với cơ quan có thẩm quyền.