Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,69 điểm (tương đương 0,37%) xuống còn 1.252,72 điểm. HNX-Index giảm 0,06 điểm (tương đương 0,03%) xuống còn 224,63 điểm, với 56 mã tăng, 176 mã đứng giá và 81 mã giảm. Tương tự, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (tương đương 0,26%) xuống còn 91,82 điểm, với 138 mã tăng, 597 mã đứng giá và 147 mã giảm.

Thanh khoản trên cả 3 sàn hụt hơi xuống gần 15.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng.

Nhóm VN30 cũng kém khả quan khi đóng cửa giảm hơn 4 điểm khi có tới 19 mã giảm và chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh là VPB, MWG, STB, VCB với mức tăng đều chưa vượt 0,5%.

VN-Index đi lùi về mốc 1.252 điểm do đâu?
VN-Index đi lùi về mốc 1.252 điểm do đâu?

Trong số cổ phiếu giảm, GVR vẫn là mã dẫn đầu khi để mất 2%, còn BID ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường khi lấy đi gần 0,7 điểm của chỉ số chung và mã này đóng cửa giảm 1% về mức giá thấp nhất trong ngày 47.500 đồng/cổ phiếu.

Nhóm ngân hàng gây áp lực lên thị trường, cá biệt BID dẫn đầu đà giảm và lấy đi 0,7 điểm, các mã CTG, TCB, EIB, VIB, SHB cũng nằm trong top 10 tác động xấu đến VN-Index. Trong ngành chỉ còn STB, VPB, LPB, VCB, ABB, NVB kết phiên trong sắc xanh, các mã còn lại phần lớn là giảm điểm và một số mã tham chiếu. Trong đó, STB và VIB giao dịch sôi động nhất ngành với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18-19 triệu đơn vị, tương ứng đóng cửa tăng 0,1% và giảm 1,4%.

Nhóm bất động sản chứng kiến sự phân hóa sâu. Ở chiều tích cực, PDR tăng 1,4% và khớp 12,36 triệu đơn vị, DIG tăng 1,9% kết phiên đứng tại mức giá 21.050 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 9,7 triệu đơn vị, SCR cũng tăng 1,9%, DXS tăng 1,6%...

Điểm sáng là OGC duy trì sắc tím xuyên suốt cả phiên, đóng cửa đứng tại mức giá trần 4.060 đồng/cổ phiếu với khối lượng dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. DXG dù không giữ được vùng giá cao nhất ngày nhưng kết phiên vẫn tăng khá tốt 2,2% lên mức 16.600 đồng/cổ phiếu và thanh khoản dẫn đầu thị trường với hơn 30 triệu đơn vị. Trong khi đó, các mã TCH, KDH, VIC, KHG, HDG, NLG lại kết phiên trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có mức giảm nhẹ 0,02%, chủ yếu đến từ các mã SSI, VIX, BSI, TVS, IPA, APG, AAS, TVC, VFS, TCI, APS... Trái lại, bên tăng gồm các mã HCM, FTS, SHS, VDS, ORS, DSC, AGR, BVS...

Nhóm chăn nuôi, nông nghiệp biến động mạnh trái chiều với HNG (+6,4%), BAF (+0,2%), SBT (+0,4%), PAN (+0,4%) đi lên trong khi HAG (-3,8%), DBC (-1%), ANV (-0,9%), QNS (-0,4%) giảm sâu.

Nhóm cổ phiếu năng lượng phiên này diễn biến tiêu cực, giảm 0,85%, chủ yếu đến từ các mã BSR, PVS, PVD, PVC, TVD, NBC, THT... Một vài mã tăng như TMB, CST, AAH...

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng có mức giảm 0,60%, chủ yếu đến từ các mã GVR, DGC, MSR, HSG, BMP, VCS, KSV, NTP, PHR, TVN, HT1, CSV, AAA...

Khối ngoại xả ròng phiên thứ 11 liên tiếp với quy mô tăng vọt lên 400 tỷ đồng, chủ yếu do chốt lời MSN (-242 tỷ đồng), DGC (-76 tỷ đồng), TCB (-64 tỷ đồng). Ngược lại, nhóm này gom thêm VPB (+110 tỷ đồng), MWG (+68 tỷ đồng), EIB (+34 tỷ đồng).

Theo VCBS cho biết, VN-Index đã trải qua một tuần giao dịch đầy biến động với biên độ điều chỉnh hơn 30 điểm, sau khi vấp phải áp lực bán mạnh tại vùng đỉnh cũ 1.290-1.300 điểm

Động lực của thị trường suy yếu qua từng phiên và áp lực chính đến từ sự rung lắc từ nhóm blue-chips khiến VN-Index mất đi điểm tựa cân bằng. Mặc dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế ở phần lớn thời gian giao dịch trong tuần, điều tích cực là lực cầu bắt đáy vẫn hiện hữu và dòng tiền có xu hướng tìm đến các nhóm ngành hoặc cổ phiếu riêng lẻ cho thấy nhà đầu tư vẫn chủ động tìm kiếm cơ hội.

Phân tích kĩ thuật VCBS cho rằng, VN-Index kết phiên cuối tuần với nến đỏ giảm điểm do áp lực từ diễn biến điều chỉnh rung lắc. Ở khung đồ thị ngày, chỉ số chung di chuyển vào vùng mây Ichimoku, xuống vùng điểm quanh 1.250 điểm. Áp lực bán cũng như sự điều chỉnh nhóm blue-chips vẫn là cản trở lớn khiến thị trường liên tục mất điểm suy yếu. Các chỉ báo RSI và MACD tiếp tục xuống đến vùng thấp và thanh khoản bán cũng dao động ổn định, chưa ghi nhận biến động mạnh nên thị trường chưa quá tiêu cực.

Mặc dù diễn biến điều chỉnh vẫn chiếm ưu thế nhưng nhìn chung biên độ điều chỉnh không quá lớn nên nếu có sự đồng thuận của dòng tiền và thanh khoản thì kỳ vọng VN-Index sẽ cân bằng tại vùng điểm 1.250 điểm. Tuy nhiên, vẫn cần tính đến xác suất áp lực bán chưa kết thúc thì ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.240 điểm, cũng là vị trí của đường mây Senkou-span B.

Ở khung đồ thị giờ, chỉ số chung tiếp tục vận động bám sát đường biên dưới dải Bollinger band và hướng xuống. Các chỉ báo RSI, MACD liện tục kéo xuống khu vực quá bán, tuy nhiên chỉ báo CMF cho tín hiệu hướng dần lên nên kỳ vọng lực cầu bắt đáy sẽ có sự trở lại chủ động hơn khi mặt bằng giá mới được chấp nhận.