Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Tetsuro Higashi, Chủ tịch Rapidus, đã khẳng định kế hoạch này là cơ hội tốt nhất để Nhật Bản ”hồi sinh” ngành sản xuất chip bán dẫn. Theo đó, Nhật bản đang “bắt tay lại” với Mỹ, từng là đối thủ trong quá khứ, để tăng vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực này.

54 tỷ USD để Nhật Bản 'hồi sinh' ngành sản xuất chip bán dẫn và hàm ý với 'cuộc đua' công nghệ toàn cầu
Ông Tetsuro Higashi, Chủ tịch Rapidus, cho biết kế hoạch "hồi sinh" ngành chip bán dẫn của Nhật Bản.

Vào tháng 12/2022, công ty Rapidus đã công bố liên doanh với Tập đoàn IBM của Mỹ để phát triển và sản xuất chip xử lý 2 nm, một công nghệ chip được cho là sẽ mở ra con đường mới cho ngành công nghiệp bán dẫn với bước tiến nhảy vọt trong hiệu suất và tiết kiệm năng lượng. Động thái này ghi nhận thoả thuận hợp tác giữa Nhật bản và Mỹ trong công nghệ chip bán dẫn.

Đến nay, nhà máy chip tiên tiến nhất tại Nhật Bản mới chỉ sản xuất được chip 40 nm thuộc sở hữu của công ty Renesas Electronics.

Chủ tịch Rapidus cũng cho biết sẽ công bố địa điểm xây dựng nhà máy liên doanh đầu tiên trong tháng 3 tới. Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản đầu tư ban đầu trị giá 70 tỷ yen (544 triệu USD) cho dự án, bao gồm xây dựng nhà máy và mua thiết bị sản xuất.

Ngoài ra, ông Higashi cho biết có 8 tập đoàn tham gia đóng góp cổ phần Rapidus, trong đó có Toyota Motor Corp và Sony Group Corp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này là khách hàng tương lai và được cho là không sớm chi tiền mà sẽ quyết định đầu tư sau khi đánh giá công nghệ và các kế hoạch sản xuất.

Dù vậy, phía Rapidus cho rằng vẫn cần nguồn hỗ trợ bền vững hơn từ chính phủ để phát triển lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn – lĩnh vực được cho là sẽ có nhiều biến động và chứng kiến nhiều cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc công nghệ trong năm 2023.

Ngành công nghiệp chip bán dẫn đã chứng minh được vai trò thiết yếu, như một linh kiện không thể thiếu trong tất cả các sản phẩm công nghệ, điện tử, phương tiện di chuyển, máy móc thiết bị,…

Trong năm 2022, chip bán dẫn đã trở thành một “điểm nóng” trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc – hai nền kinh tế hiện đang dẫn đầu thế giới.

Cụ thể, từ tháng 10/2022, Chính phủ Mỹ đã đưa ra nhiều hạn chế mới, ngăn không cho Trung Quốc mua các chip bán dẫn tiên tiến và cả các thiết bị cần thiết để sản xuất chip.

Đến nay, Hà Lan và Nhật Bản quyết định tham gia kế hoạch này với Mỹ thông qua việc hạn chế xuất khẩu chip cao cấp sang Trung Quốc. Theo đó, các công ty muốn bán chip bán dẫn tiên tiến cho các chủ thể ở Trung Quốc cần phải trải qua quy trình cấp phép đặc biệt và khó được chấp thuận.

54 tỷ USD để Nhật Bản 'hồi sinh' ngành sản xuất chip bán dẫn và hàm ý với 'cuộc đua' công nghệ toàn cầu
Cuộc "đua" về sản xuất chip bán dẫn được cho là sẽ "khốc liệt" hơn trong năm 2023. (Ảnh minh hoạ)

Đáng nói, ước tính Trung Quốc chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chip cho các ngành sản xuất trong nước, tức là quốc gia này vẫn còn phụ thuộc nhập khẩu tới 70%. Như vậy, hành động hạn chế xuất khẩu chip của Liên minh Mỹ - Hà Lan - Nhật có thể gây tác động tới ngành công nghiệp sản xuất chip nội địa của Trung Quốc.

Một mặt, họ có thể hạn chế tốc độ phát triển của ngành chip bán dẫn Trung Quốc nhưng mặt khác động thái này cũng sẽ khiến các doanh nghiệp của họ bị thiệt hại về doanh thu.

Về phía Trung Quốc, nhiều nguồn tin chỉ ra, chính phủ nước này có thể tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp chip trong nước, thay vì phản ứng gay gắt đối với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ - Hà Lan – Nhật.

Có thể ngay trong quý đầu tiên của năm nay, chính phủ sẽ công bố gói hỗ trợ lên tới 143 tỷ USD cho các công ty trong nước.

Bên cạnh, một số quốc gia châu Âu và châu Á không hoàn toàn đồng ý, hoặc thậm chí chỉ trích các biện pháp của Mỹ là có thể “gây tổn hại cho sức khoẻ của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu”, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái trầm trọng.