Chủ tịch WB David Malpass cho biết: "Cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng khi triển vọng tăng trưởng toàn cầu xuống cấp" Lạm phát tăng tốc, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách, điều kiện tài chính xuống cấp và cú sốc từ xung đột Nga – Ukraine đang gây sức ép lên tăng trưởng.

Theo tin từ Reuters, định chế cho vay phát triển có trụ sở ở Washington DC dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu tăng trưởng 1,7% trong năm 2023, mức tăng thấp nhất kể từ năm 1993 ngoại trừ suy thoái 2009 sau khủng hoảng tài chính và suy thoái năm 2020 khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu đưa ra vào tháng 6/2022, WB dự báo kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng 3%. Như vậy, dự báo mới nhất của WB về tăng trưởng kinh tế thế giới đã giảm gần một nửa so với cách đây hơn 6 tháng.

WB dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc lên mức 2,7% vào năm 2024, nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn mức 2,9% đạt được vào năm 2022. Ngoài ra, WB cho rằng tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế toàn cầu trong thời gian từ 2020-2024 sẽ đạt dưới 2%, mức bình quân 5 năm thấp nhất kể từ thập niên 1960.

Nền kinh tế thế giới đã suy giảm 3,2% trong năm 2020 khi Covid hoành hành, rồi phục hồi mạnh trong năm 2021 với mức tăng 5,7%, theo số liệu từ WB.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass. Ảnh: Bloomberg
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass. Ảnh: Bloomberg

Theo WB, sự giảm tốc mạnh của các nền kinh tế phát triển - bao gồm dự báo tăng trưởng của cả Mỹ và khu vực Eurozone năm nay đều bị cắt giảm mạnh về mức 0,5% - có thể báo hiệu một cuộc suy thoái toàn cầu mới, chưa đầy 3 năm sau lần suy thoái gần đây nhất. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong hơn 80 năm thế giới phải trải qua 2 cuộc suy thoái chỉ trong vòng 1 thập kỷ.

WB dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,5% năm 2023. GDP 20 nước khu vực đồng euro – vốn đang chịu tác động từ chiến sự tại Ukraine – có thể đứng yên. Cả hai số liệu này đều thấp hơn đáng kể so với dự báo của WB hồi tháng 6/2022.

Tăng trưởng tại Trung Quốc được kỳ vọng tăng tốc năm 2021, nhờ dỡ bỏ các lệnh phong tỏa chống dịch, lên 4,3%. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn 6 tháng trước, phản ánh bất ổn trên thị trường bất động sản nước này, nhu cầu của thế giới với hàng hóa Trung Quốc thấp và gián đoạn do Covid-19 vẫn tiếp diễn.

"Cả 3 cỗ máy tăng trưởng lớn của thế giới – Mỹ, eurozone và Trung Quốc – đều đang trải qua thời kỳ yếu đi rõ rệt", báo cáo nhận định.

Sự giảm tốc này sẽ ảnh hưởng đến các nước nghèo, vốn đang quay cuồng trong tác động từ biến đổi khí hậu, môi trường kinh doanh xuống cấp và lãi suất tăng. Chi phí đi vay tăng sẽ khiến việc trả nợ của các nước càng khó khăn.

Đến cuối năm 2024, GDP các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ thấp hơn 6% so với dự báo trước đại dịch, WB cho biết. Tăng trưởng thu nhập cũng có thể chậm hơn mức trung bình 10 năm trước dịch. Điều này khiến họ càng khó thu hẹp khoảng cách với các nước giàu.