Theo VPSA, tính đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 142.586 tấn hồ tiêu các loại, trong đó có 125.959 tấn tiêu đen và 16.627 tấn tiêu trắng, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 634,2 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 6,8% nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng 30,5%, với tiêu đen đạt 539,9 triệu USD và tiêu trắng đạt 94,3 triệu USD.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 18.002 tấn hồ tiêu các loại, trong đó có 16.357 tấn tiêu đen và 1.645 tấn tiêu trắng, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 69,6 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam gồm Brazil với 7.241 tấn (giảm 22,3%), Campuchia với 6.212 tấn (tăng 34,5%) và Indonesia với 2.991 tấn (tăng 67,3%).

Vì sao Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt tiêu lớn vẫn chi 69,6 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu?

Theo thống kê sơ bộ của VPSA, trong tháng 6/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 1.950 tấn hồ tiêu, trong đó có 1.134 tấn tiêu đen và 816 tấn tiêu trắng, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 8,5 triệu USD, giảm 48,5% so với tháng trước.

Nhập khẩu từ Indonesia tăng 45,1% đạt 946 tấn, trong khi đó, nhập khẩu từ Campuchia giảm 71,9% đạt 537 tấn và nhập khẩu từ Brazil giảm 86,2% chỉ đạt 135 tấn. Đáng chú ý, nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong VPSA giảm 66,5%, chiếm 44,2% tổng lượng nhập khẩu.

Như vậy, trong nửa đầu năm 2024, ngành hồ tiêu Việt Nam đạt xuất siêu 564,6 triệu USD. Giá hồ tiêu thế giới cao hơn giá trong nước là nguyên nhân chính khiến nhập khẩu từ các thị trường giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, giá tiêu đen Indonesia hiện ở mức 181.822 đồng/kg, giá tiêu đen Brazil ở mức 184.571 đồng/kg, trong khi giá tiêu đen Việt Nam là 168.000 đồng/kg.

Trong bối cảnh nguồn cung nội địa giảm, doanh nghiệp trong nước đã phải tăng cường nhập khẩu hồ tiêu từ các nước. Trước đây, hồ tiêu Brazil luôn được coi là giá cả hợp lý, được nhiều quốc gia tìm mua nhập khẩu. Tuy nhiên, năm nay với đà tăng chung của thị trường, giá tiêu Brazil cũng tăng khá nhanh. Tại quốc gia này, vụ thu hoạch hồ tiêu cũng được dự báo không thuận lợi.

Ngoài ra, giá cước vận tải tăng cao do những bất ổn chính trị trên thế giới gây khó cho nhập khẩu hồ tiêu từ Brazil. Trước tình thế trên, lượng nhập khẩu hồ tiêu từ các quốc gia Đông Nam Á là Indonesia và Campuchia tăng mạnh là điều dễ hiểu.

Nhận định về thị trường, chuyên gia cho rằng tuần trước mất đến 6.000 đồng/kg, nhưng hồ tiêu đang có chuỗi 2 ngày tăng liên tiếp giai đoạn cuối tuần.

Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam dẫn lời chuyên gia nhận định, dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung so với nhu cầu tiếp tục được ghi nhận trong thời gian tới cho đến khi giáp hạt. Đây tiếp tục là động lực để giá tiêu tuần này tăng tiếp, kỳ vọng lấy lại mốc 160.000 đồng/kg.