OPEC+ tăng sản lượng giữa cơn sốt giá dầu
Nhà máy lọc dầu Ras Tanura của Saudi Aramco và kho ở Ras Tanura. Ảnh chụp màn hình

OPEC tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày

Động thái tăng sản lượng dầu mỏ nhanh hơn kế hoạch của OPEC+ được công bố ngày 2.6 trong bối cảnh giá dầu thô tăng đã đẩy giá xăng lên mức cao kỷ lục ở Mỹ. Có những lo ngại giá năng lượng tăng cao có thể làm chậm lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi hậu COVID-19.

OPEC, có lãnh đạo trên thực tế là Saudi Arabia, đã khước từ đề xuất của Mỹ về việc tăng nguồn cung dầu để bù đắp cho sản lượng bị mất do các lệnh trừng phạt Nga sau chiến sự Ukraina.

Điều này cùng với một thỏa thuận của Liên minh Châu Âu (EU) về việc chấm dứt phần lớn nhập khẩu dầu từ Nga, đã đẩy giá dầu thế giới lên cao hơn. Giá xăng và dầu diesel cũng tăng do không đủ khả năng lọc dầu để biến dầu thô thành nhiên liệu động cơ.

Tại Mỹ, giá dầu thô tăng 54% kể từ đầu năm và giá xăng dầu cũng đang theo chiều hướng tăng tương tự. NBC News cho hay, Mỹ ghi nhận mức giá bơm xăng trung bình cao kỷ lục vào ngày 2.6 là 4,71 USD/gallon.

Cơ sở chế biến dầu ở Shaybah, Saudi Arabia. Ảnh chụp màn hình
Cơ sở chế biến dầu ở Shaybah, Saudi Arabia. Ảnh chụp màn hình

Tại Đức, chính phủ tìm cách giảm nhẹ tác động của lạm phát năng lượng với ngân sách của người tiêu dùng thông qua triển khai vé chuyển tuyến giảm giá sâu cho phép sử dụng không giới hạn các chuyến tàu địa phương, tàu điện ngầm và xe buýt với giá 9 Euro (10 USD)/tháng.

Tháng 4.2020, OPEC+ rút 10 triệu thùng dầu mỗi ngày khỏi thị trường và từ từ tăng công suất trở lại khi nhu cầu năng lượng tăng trên toàn thế giới. Nhóm đã bổ sung ổn định 432.000 thùng/ngày mỗi tháng để khôi phục dần sau khi cắt giảm sản lượng từ năm 2020.

Theo Washington Post, giá dầu ban đầu giảm sau thông tin OPEC+ sẵn sàng thúc đẩy sản xuất. Tuy nhiên, dầu thô WTI tiêu chuẩn của Mỹ đã tăng trở lại và được giao dịch ở mức gần 117 USD/thùng ngay sau thông báo ngày 2.6 của OPEC+, gần bằng mức giá ngày 1.6. Dầu thô Brent, tiêu chuẩn quốc tế, cũng tăng trở lại mức giá ngày 1.6.

Các bộ trưởng của OPEC+ “nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường cân bằng và ổn định với cả dầu thô và các sản phẩm tinh chế”, theo bản tóm tắt kết quả cuộc họp ngày 2.6.

Cũng theo Washington Post, OPEC+ đang ở trong tình thế bấp bênh về mặt chính trị khi phải cân bằng áp lực tăng sản lượng với mối quan hệ với Nga - một thành viên trong nhóm.

Thỏa thuận đạt được ngày 2.6 cho phép nhóm tuyên bố đang thực hiện các động thái để giảm bớt sức ép lên thị trường dầu mỏ thế giới mà không tăng sản lượng đến mức tổn hại tới Nga.

OPEC+ không đề cập tới chiến sự Ukraina và lệnh cấm vận dầu mỏ Nga là lý do thúc đẩy sản xuất. Thay vào đó, nhóm đề cập tới việc mở cửa trở lại ở các trung tâm kinh tế toàn cầu lớn sau phong tỏa.

Chưa đủ bù đắp khoảng trống năng lượng Nga

Dù OPEC+ cam kết tăng sản lượng dầu, các chuyên gia ngành năng lượng vẫn nghi ngờ rằng nhóm có thể nhanh chóng góp phần hạ giá năng lượng cho người tiêu dùng.

Nhiều quốc gia thành viên của OPEC+ đã không thể sản xuất đủ dầu để đáp ứng hạn ngạch sản xuất thấp hơn được triển khai trước ngày 2.6. Khi thế giới vật lộn với tình trạng thiếu năng lượng, một số quốc gia trong nhóm đã xuất khẩu tất cả sản lượng có thể sản xuất.

Lệnh cấm vận dầu của Nga cuối cùng có thể loại tới 2 triệu thùng mỗi ngày khỏi thị trường thế giới. OPEC+ từ lâu đã lên kế hoạch tăng sản lượng hơn 400.000 thùng/ngày vào tháng tới và động thái đó đã được đưa vào dự báo giá năng lượng. Quyết định nâng lên 648.000 thùng không đủ để lấp đầy khoảng trống mà năng lượng Nga để lại.

Tờ báo Mỹ lưu ý, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang giải phóng 1 triệu thùng mỗi ngày từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược nhưng động thái này cũng không đủ để ngăn đà tăng của giá khí đốt.

8 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tuyên bố loại bỏ dầu của Nga do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự Ukraina, thắt chặt hơn nữa nguồn cung và buộc các nhà môi giới dầu phải định hướng lại hoạt động xuất khẩu của Nga trên toàn cầu.