Ngày 6/12, Thống đốc bang Maryland của Mỹ, ông Larry Hogan, đã công bố chỉ thị khẩn cấp về cấm sử dụng ứng dụng chia sẻ video TikTok trên các thiết bị và mạng lưới các cơ quan chính quyền, sau một loạt động thái tương tự của chính quyền các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Theo đó, các cơ quan công quyền ở bang Maryland phải xóa ứng dụng TikTok trên hệ thống chung và ngăn chặn truy cập. Lệnh cấm này cũng có hiệu lực với các ứng dụng của Huawei Technologies, ZTE Corp, WeChat, QQ và QQ của Tencent Holdings Wallet, Alibaba của Trung Quốc và Kaspersky Lab của Nga.

Lý giải quyết định này, Thống đốc bang Maryland cho rằng, việc sử dụng TikTok tiềm ẩn "mức độ rủi ro an ninh mạng không thể chấp nhận được đối với nhà nước".

Ông Brendan Carr, một thành viên đảng Cộng hòa của Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ, đã ca ngợi hành động nói trên của Thống đốc Hogan mà ông cho là sẽ “bảo vệ Maryland khỏi những mối đe dọa do các tác nhân nước ngoài nham hiểm gây ra”

Nhiều bang tại Mỹ cấm ứng dụng TikTok
Nhiều bang tại Mỹ cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị và mạng lưới các cơ quan chính quyền.

Trước đó, ngày 5/12, Thống đốc bang Carolina Henry McMaster đã yêu cầu một số cơ quan chính quyền cấm cài đặt TikTok trên hệ thống điện thoại, máy tính của cơ quan công quyền bang này. Tuần trước, chính quyền các bang South Dakota và South Carolina đã ký sắc lệnh cấm nhân viên và các nhà thầu của chính quyền không được lắp đặt hay sử dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của bang.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), ông Christopher Wray, ngày 4/12 cũng đã nêu quan ngại về mạng xã hội TikTok đối với an ninh quốc gia. Ông cho biết, FBI đang lo ngại TikTok thao túng nội dung và gây ảnh hưởng, đồng thời thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu người dùng.

Phản hồi trước hành động của các bang đã ra lệnh cấm, TikTok khẳng định, sự xuất hiện của thông tin sai lệch đã làm dấy lên những lo ngại dẫn đến lệnh cấm. TikTok bày tỏ sự thất vọng vì nhiều cơ quan nhà nước, văn phòng, và các trường đại học của Mỹ đã và đang sử dụng TikTok để xây dựng cộng đồng và kết nối với các cử tri sẽ không còn truy cập vào nền tảng của hãng.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ và gây áp lực buộc công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh phải bán TikTok cho một công ty Mỹ. Hiện giới chức Mỹ và công ty này đang đàm phán về thỏa thuận có thể giúp giải tỏa các mối lo ngại về an ninh của Mỹ.