Theo thống kê do nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric mới công bố, doanh thu bán các sản phẩm thuộc thương hiệu Apple trên TikTok Shop trong 5 tháng đầu năm đạt 202,7 tỷ đồng, tăng trưởng 955% so với cùng kỳ năm 2023. 9.236 đơn vị sản phẩm bao gồm iPhone, iPad, MacBook, AirPods, Apple Watch đã được bán ra.

Metric phân tích, thực tế doanh thu thương hiệu Apple trên TikTok Shop bắt đầu tăng trưởng mạnh mẽ từ tháng 9/2023, đỉnh điểm doanh thu cao nhất là tháng 12/2023 với 76 tỷ đồng.

Xét về các phân khúc giá, phân khúc 30 - 35 triệu đồng/sản phẩm đạt 80 tỷ đồng, chiếm thị phần gần 50% tổng doanh thu các sản phẩm Apple. Có thể thấy phân khúc này nằm trong khoảng giá của các sản phẩm thuộc dòng iPhone 15 và 14.

Người Việt chi hơn 200 tỷ mua iPhone, iPad, MacBook,... trên TikTok Shop

Các sản phẩm bán chạy nhất xét về doanh thu bao gồm: iPhone (15, 14), iPad (Gen 9th, Pro M2), MacBook Air M1, Apple AirPods 2, Apple Watch Series 9.

Metric ghi nhận 29 cửa hàng trên TikTok Shop phát sinh đơn hàng, trong đó 10 cửa hàng ghi nhận doanh số cao nhất theo thứ tự gồm: FPT Shop (54,9%), Clickbuy chọn là mua (13,6%), Viettel Store Official (10,9%), Di Động Việt (8,6%), Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim (4,4%), ShopDunk Store Vietnam (3,3%), 24hStore Vietnam (2,1%), Hoàng Hà Mobile Store (0,9%), Phong Vũ Store (0,6%).

So sánh với cùng kỳ năm trước, có thể thấy có sự biến động lớn trong thị phần sản phẩm Apple trên nền tảng thương mại của TikTok. Mặc dù mới gia nhập thị trường hơn nửa năm nhưng FPT Shop đã chiếm vị trí đứng đầu, thậm chí “bỏ xa” doanh số của Viettel.

Việc người Việt sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để mua sản phẩm Apple - vốn được coi là những đồ tiêu dùng cao cấp, qua thương mại điện tử, phản ánh những thay đổi trong xu hướng mua sắm.

Theo YouNet ECI, hai ngành hàng là Công nghệ và Điện gia dụng đã tăng trưởng hơn 100% trên thương mại điện tử trong 6 tháng cuối năm 2023, lọt top 5 ngành hàng lớn nhất trên các sàn thương mại điện tử.

Dữ liệu tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến Việt Nam quý I/2024 của Metric (nền tảng số liệu thương mại điện tử) cũng cho thấy sự phát triển thần tốc của ngành hàng Điện gia dụng, với mức doanh số tăng trưởng 146,8% và sản lượng bán tăng gần 370%. Top đầu những sản phẩm bán chạy đều có mức giá cao điển hình như máy chiếu, robot hút bụi...

“Điều này cho thấy người tiêu dùng đã không còn ngại mua sắm những mặt hàng có giá trị trên sàn online nếu nhà bán hàng chứng minh được uy tín và chất lượng sản phẩm”, báo cáo nêu.

Q&Me (công ty nghiên cứu thị trường tại Việt Nam) đã so sánh giữa giai đoạn tháng 5/2022 - 4/2023 và tháng 5/2023 - 4/2024 và ghi nhận kết quả sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm ngành giá trị cao. Theo đó, Thiết bị gia dụng, Điện thoại & máy tính bảng đều tăng trưởng ở mức 64%, Máy tính, máy tính xách tay & văn phòng tăng trưởng 59%, Đồng hồ và trang sức tăng trưởng 52%, Thiết bị điện tử và trò chơi tăng trưởng 62%.

“Các con số này phản ánh một xu hướng mà chúng tôi đã thấy rõ từ năm ngoái đến nay. Đó là người tiêu dùng thoải mái hơn trong chi tiêu cho những sản phẩm giá trị cao trên sàn thương mại điện tử, đặc biệt khi có sự thúc đẩy của shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí)”, ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường của YouNet ECI, đơn vị nghiên cứu dữ liệu thị trường thương mại điện tử có trụ sở tại Việt Nam, cho hay.

Trước đó báo cáo của YouNet ECI cũng chỉ ra trong giai đoạn 2022 – 2023, tần suất truy cập sàn thương mại điện tử mỗi ngày của người dùng tăng gấp ba lần. Số lượng đơn hàng tăng mạnh, từ 10-20 đơn hàng/tháng vào năm 2022 lên 20-30 đơn hàng/tháng năm 2023. Trong đó, giá trị mỗi đơn hàng tăng 10,5%.

Riêng ngành hàng điện thoại di động, giá trị một chiếc điện thoại bán ra trên thương mại điện tử trong quý IV năm ngoái tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt trung bình 15 triệu đồng/sản phẩm. Với Apple, dữ liệu ghi nhận tháng 10/2023, thời điểm mở bán iPhone 15, dòng iPhone 15 Pro Max đắt tiền nhất chính là sản phẩm có doanh thu cao nhất trên các sàn thương mại điện tử trong suốt 12 tuần liên tục.

“Thương mại điện tử giờ đây không chỉ là sân chơi của những mặt hàng giá rẻ. Người mua ngày càng cởi mở rót tiền cho thương mại điện tử đến từ việc các nhà bán hàng có chính sách hậu mãi, bảo hành tốt. Chắc chắn thời gian ngắn nữa thôi, khi có thêm nhiều nhãn hàng nghiêm túc với thương mại điện tử, xem đây là kênh chiến lược để tiếp cận người mua thì ranh giới giữa mua online và offline sẽ bị xóa nhòa”, ông Lâm nói.