Bất cập ở cơ chế giám sát

Ngày 1/1/2021, Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành, hoạt động giám sát giao dịch chứng khoán được thực hiện theo ba cấp so với chỉ hai cấp như trước đây. Theo đó, công ty chứng khoán có vai trò là cấp giám sát thứ nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán có vai trò là cấp giám sát thứ 2, UBCKNN là cấp giám sát thứ 3.

Các cấp giám sát được phân quyền rõ ràng đảm bảo thống nhất, minh bạch theo hệ thống tiêu chí phân tích báo cáo giám sát giao dịch; Xây dựng hệ thống giám sát kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch của các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), đồng thời xây dựng bộ tiêu chí cảnh báo sớm để có thể chủ động hơn trong công tác giám sát, phù hợp với thực tế phát triển của TTCK. Quy định chi tiết về hoạt động giám sát được thể hiện tại Thông tư số 95/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK, cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.

Ngoài ra, công tác giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK còn có sự hỗ trợ của hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán (MSS) trong việc tìm kiếm các thông tin liên quan đến nhà đầu tư trên thị trường, thu thập các báo cáo, dữ liệu giao dịch chứng khoán trên thị trường...

Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam: Hiện đang “nghẽn” ở đâu?
TTCK Việt Nam gần đây phát hiện nhiều hành vi vi phạm gây "lũng đoạn" thị trường

Mặc dù khung pháp lý về giám sát giao dịch và giám sát tuân thủ đã hoàn thiện đáng kể so với những năm trước đây, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng nhưng quy định hiện hành vẫn chưa đủ “sức nặng” với các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Không chỉ vậy, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ còn là một mảnh đất “béo bở” để thể phát tán rất nhiều thông tin giả mạo, thông tin chưa có kiểm chứng nhằm lừa đảo, lôi kéo khách hàng tham gia đầu tư không hợp pháp, đánh cắp thông tin,… Thực tế thời gian gần, nhiều vụ vi phạm trên TTCK Việt Nam có dấu hiệu một hoặc một nhóm nhà đầu tư sử dụng nhiều tài khoản của mình và của người khác thông qua việc mượn tài khoản giao dịch chứng khoán hoặc nhận ủy quyền quản lý, sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán để thao túng thị trường, nhằm trục lợi.

Ngày 30/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm TTCK hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, công khai, minh bạch, phát triển bền vững. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế để theo thẩm quyền chủ động thực hiện các biện pháp điều hành thị trường tài chính, tiền tệ, tín dụng và thị trường chứng khoán, hoạt động của các tổ chức tín dụng ổn định, an toàn, thông suốt.

Tình trạng chung cũng xuất hiện trên thế giới, đặc biệt khi đối tượng là những doanh nghiệp, doanh nhân lớn, với tầm ảnh hưởng và lượng vốn lớn, có thể “bóp méo” thị trường thông qua những hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián ngày càng, làm tổn hại thị trường và nhà đầu tư.

Tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý, tỷ phú Mỹ Elon Musk và rất nhiều doanh nhân quyền lực khác đều đã gánh hậu quả vì hành vi này. Tuy nhiên, giới pháp lý quốc tế vẫn lo ngại, không phải bất cứ dấu hiệu giao dịch bất thường nào cũng có thể xác định được là giao dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật về chứng khoán để kịp thời ngăn chăn và xử lý. Đó chính là “lỗ hổng” của khung pháp lý hiện hành.

Hoạt động của thị trường ngày càng phát triển thì công tác giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm ngày càng gặp nhiều khó khăn và phức tạp. Sau lùm xùm việc bắt ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến việc thao túng thị trường chứng khoán, giới chuyên gia cho rằng, điều quan trọng của hệ thống pháp lý, quản lý là đảm bảo một khuôn khổ quy định rõ ràng, giám sát hiệu quả để phát hiện vi phạm, và xử lý nghiêm khắc đủ sức răn đe, ngăn chặn. Do đó, điểm “đứt gãy” ở đây là mặc dù đã có những quy định pháp luật nhưng việc thi hành giám sát trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, tạo “khe hở” cho các cá nhân, doanh nghiệp trục lợi.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, cần xây dựng tiêu chí chí giám sát giao dịch chứng khoán nhằm nhằm kịp thời phát hiện các trường hợp tác động, thao túng hoăc cá trường hợp vi phạm khách trong giao dich chứng khoán. Đồng hời hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trong toàn ngành Chứng khoán làm cơ sở để phân cấp và chuyên biệt hóa công tác giám sát.

Thách thức về công nghệ thông tin

Thực hiện sự chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như đứng trước những yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tế, UBCKNN cho biết đang hoàn thiện cơ chế pháp lý để TTCK Việt Nam vận hành khách quan, minh bạch hơn.

Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam: Hiện đang “nghẽn” ở đâu?
Cần siết chặt luật pháp để ngăn chặn các hành vi thao túng, làm giá, thiếu minh bạch

Trả lời báo chí, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường chứng khoán, cho biết hiện chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 đang được trình Bộ Tài chính để trình Chính phủ. Nếu mục tiêu của giai đoạn 2010-2020 là phát triển quy mô thị trường từ hàng hoá, số lượng nhà đầu tư…, thì mục tiêu của giai đoạn tới là phát triển bền vững qua phát triển hàng hoá, tích hợp quan điểm mới về việc phát triển chứng khoán xanh, tăng cường minh bạch thị trường, chất lượng nhà đầu tư, lập lại kỷ luật kỷ cương thị trường, và đặc biệt, ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành TTCK.

Bộ Tài chính cũng đã hoàn tất khâu cuối xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 153, trong đó có quy định về quản lý, giám sát và vận hành thị trường giao dịch thứ cấp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

Cùng với đó là triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam. Bà Bình cho biết UBCKNN sẽ quyết tâm đưa vào vận hành hệ thống thông tin mới trong năm 2022.

Các giải pháp giao dịch mới được giới đầu tư chờ đợi nhiều năm nay như giao dịch chứng khoán chờ về, day trading, bán không… luôn cần cơ chế giám sát, hạ tầng công nghệ để triển khai. Hoàn tất gói thầu xây dựng xong hệ thống công nghệ thông tin là cơ sở để triển khai các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam. Hoạt động giám sát thị trường tới đây cũng sẽ được hỗ trợ bằng công nghệ, hiệu quả và nhanh chóng hơn nhiều cách làm hiện nay để giám sát thị trường chứng khoán. Trong đó đặc biệt cần siết chặt các hoạt động vi phạm, tung tin giả mạo liên quan đến hoạt động chứng khoán trên không gian mạng.

“Điểm nghẽn” ở cơ chế thanh toán bù trừ và lưu ký

Một “điểm nghẽn” khác tại TTCK Việt Nam cũng được giới chuyên gia chỉ ra nằm ở cơ chế thanh toán bù trừ và lưu ký. Theo Luật Chứng khoán 2019, trước năm 2023, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ phải chuyển sang mô hình Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán.

Khung pháp lý cho thị trường chứng khoán Việt Nam: Hiện đang “nghẽn” ở đâu?
Cần đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ

Quan trọng nhất ở đây là việc hình thành mô hình bù trừ thanh toán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (Central Counterparty Clearing House) cho các loại chứng khoán cơ sở. Việc triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm sẽ tăng đáng kể sức mua của nhà đầu tư, thanh khoản của thị trường tăng khi việc bán chứng khoán chờ về được áp dụng, và đồng thời cũng quản lý rủi ro mất khả năng thanh toán được tốt hơn.

Tuy nhiên, những hạn chế hiện nay lại là vẫn chưa đảm bảo được toàn bộ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài. Những trục trặc trong hệ thống thông tin khớp lệnh, chưa được bán chứng khoán chờ về ngay lập tức là cơ hội cho một số nhóm có thể chi phối thị trường, trong việc thiết lập mức giá một số cổ phiếu theo kế hoạch từ trước.

Hiện nay, danh mục của nhà đầu tư nước ngoài ước tính khoảng 15% trên thị trường chứng khoán, cho thấy thị trường chứng khoán vẫn chủ yếu là của các nhà đầu tư trong nước. Trong đó, số lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ mới tham gia thị trường kể từ khi đại dịch là rất lớn. Do đó, không thể đánh giá thấp đóng góp của hai đối tượng này cho TTCK Việt Nam. Vì thế, cũng cần có những cơ chế pháp lý tạo điều kiện để thu hút đầu tư, nâng cao tính minh bạch, tính khách quan của TTCK.

FTSE dự kiến công bố xếp hạng TTCK vào ngày 1/4

Kể từ tháng 9/2018, FTSE đã xếp Việt Nam vào danh sách cân nhắc (watching list) để vào nhóm Thị trường mới nổi hạng hai (Secondary Emerging Market) và cho đến nay vẫn chưa có thay đổi gì... Dự kiến, ngày 1/4, FTSE sẽ công bố Thông báo cập nhập sơ bộ về Xếp hạng Chứng khoán Quốc gia FTSE. Câu hỏi đặt ra là liệu TTCK Việt Nam sẽ thăng hạng?

Các TTCK trên thế giới tùy theo mức độ phát triển của mình mà được phân loại thành các nhóm chính bao gồm: thị trường cận biên (frontier), thị trường mới nổi (emerging), và thị trường đã phát triển. Hiện nay có hai tổ chức xếp hạng thị trường uy tín nhất là FTSE và MSCI. Đối với FTSE, nhóm thị trường mới nổi còn được chia làm hai là hạng hai (Secondary Emerging) và đã phát triển (Developed Emerging). Theo đó, TTCK Việt Nam tăng hạng sẽ có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư từ các nước phát triển với nguồn vốn dồi dào.