Kết phiên giao dịch ngày 17/6, giá ca cao hợp đồng tháng 9 giảm mạnh 5,7%, xuống còn 9.151 USD/tấn. Trong tháng 5, lượng ca cao xay của Bờ Biển Ngà, quốc gia xuất khẩu ca cao lớn nhất thế giới đã giảm 30% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu yếu đi.

Trong khi đó, đa phần các thông tin cơ bản trên thị trường vẫn cho thấy nguồn cung đang thiếu hụt. Các nhà xuất khẩu ca cao ước tính, đến 16/6, lượng ca cao cập cảng tại Bờ Biển Ngà chỉ ở mức 1,562 tấn, giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2023. Thông tin Bờ Biển Ngà dừng bán và xuất khẩu ca cao trong tháng 6 để hỗ trợ hoạt động nội địa càng khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.

Giá ca cao giảm mạnh do nhu cầu đi xuống

Giá cà phê tăng lần lượt 1,3% với Arabica và 1,2% với Robusta trước doanh số bán hàng chậm chạp của Brazil. Safras & Mercado cho biết, tính đến ngày 11/6, Brazil đã thu hoạch 37% mùa vụ nhưng mới bán được 22% sản lượng cà phê tiềm năng của năm 2024, chậm hơn mức 26% của cùng kỳ năm ngoái và mức 32% của trung bình 5 năm gần nhất.

Hơn thế, mưa diễn ra tại các vùng trồng cà phê chính của Việt Nam, giúp nguồn cung vụ 2024-2025 tạm thời không đi theo hướng tiêu cực. Tuy nhiên, sản lượng vụ mới dự kiến vẫn giảm so với vụ hiện tại và là mức thấp nhiều năm do không thể cải thiện hoàn toàn ảnh hưởng từ khô hạn đầu năm.

Giá đường thô giảm 2,3% so với tham chiếu do sức ép từ lượng đường thặng dư trên toàn cầu. Công ty thương mại và dịch vụ chuỗi cung ứng Czarnikow (CZ) cho biết, thị trường đường toàn cầu có thể thặng dư 5,5 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025 khi sản lượng tăng tại các quốc gia sản xuất chính.