Tháng 8/2024, XK tôm Việt Nam đạt 404 triệu USD, tăng 20% so với tháng 8/2023. XK tôm trong tháng 8 tiếp tục ghi nhận giá trị cao nhất kể từ đầu năm và ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất kể từ tháng 2 năm nay. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 8 năm nay, XK tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, EU. Các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc ghi nhận vẫn duy trì được đà tăng nhẹ.

Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD

Tồn kho giảm bớt, nhu cầu nhập hàng phục vụ các dịp lễ cuối năm khiến cho các thị trường tăng cường NK. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất trên thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng tăng, tác động tích cực lên giá tôm XK.

Đối với thị trường Mỹ, XK tôm Việt Nam sang Mỹ tăng 21% đạt 91 triệu USD trong tháng 8. Lũy kế 8 tháng, XK tôm sang thị trường này đạt 482 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lượng hàng tồn kho tại Mỹ đã giảm, các nhà bán lẻ cần bổ sung hàng tồn kho trước mùa lễ hội cuối năm. Thông tin tích cực về nền kinh tế Mỹ cũng phần nào giúp XK tôm Việt Nam sang Mỹ khả quan hơn.

Đối với thị trường Trung Quốc&HK, XK tôm Việt Nam sang thị trường này tiếp tục xu hướng phục hồi trong tháng 8 với mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng, XK tôm sang thị trường này đạt 477 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

XK tôm Việt Nam sang Trung Quốc tăng trở lại nhờ nhu cầu NK từ thị trường này tăng. Bên cạnh đó, Ecuador (đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường Trung Quốc) phải đối mặt với kiểm tra gắt gao từ Trung Quốc và có một số lô hàng đã bị từ chối trong tháng 6 dư lượng sodium metabisulfite. Điều này ảnh hưởng tới XK tôm Ecuador sang Trung Quốc.

Theo Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc giảm 11% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái xuống 529.116 tấn tương đương 2,5 tỷ USD. Tình hình kinh tế ở Trung Quốc không mấy khả quan, làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Tuy vậy, Tết Trung thu và kỳ nghỉ lễ Quốc khánh ở Trung Quốc dự kiến sẽ thúc đẩy tiêu thụ tôm tại đây.

Giá tôm nguyên liệu và XK đều có xu hướng tăng

Trong tuần thứ 2 của tháng 9/2024, giá tôm chân trắng ướp lạnh nguyên con tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2023. So với đầu tháng 8/2024, giá tôm 30 con và 40 con tăng khoảng 40%. Tôm cỡ nhỏ hơn tăng 13%-19% so với mức đầu tháng 8.

Giá XK tôm chân trắng Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng kể từ tháng 2 năm nay. Giá XK tôm chân trắng sang thị trường Nhật dự kiến cũng tăng do các sản phẩm GTGT, chế biến sẵn của Việt Nam vẫn được ưa chuộng, và đồng yên tăng giá.

Mặc dù, trong tháng 8, nhu cầu thị trường tích cực hơn và giá tôm cũng có xu hướng khả quan nhưng ngành tôm Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là ở khâu nuôi khi phải đối mặt với dịch bệnh trong nuôi tôm như dịch EHP. Ngành tôm cần sự chung tay của các cơ quan quản lý và toàn chuỗi để có thể đảm bảo được nguồn nguyên liệu dịp cuối năm phục vụ cho chế biến, XK.