Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng), hiện nay dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn vẫn đang tiếp tục có dấu hiệu tăng cao. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay toàn TP ghi nhận có 3.043 ca mắc, riêng trong tuần 26 (từ ngày 27/6 – 3/7) đã ghi nhận 330 ca. Các địa phương ở Đà Nẵng có ca mắc tăng cao là Hòa Vang (79 ca), Liên Chiểu (74 ca), cẩm Lệ (43 ca).

CDC Đà Nẵng cũng cho biết, hiên trên địa bàn TP chưa có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 11/7, cả nước ghi nhận hơn 103 nghìn ca sốt xuất huyết, tăng khoảng 11 nghìn ca so với thống kê 1 tuần trước đó. Đặc biệt đã có 37 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Điều đó cho thấy đây là một bệnh truyền nhiễm có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe và sinh mạng của người dân.

Đặc biệt CDC Đà Nẵng lưu ý, trẻ em mắc sốt xuất huyết sẽ rất dễ gặp biến chứng, dễ trở nặng nếu không được phát hiện và xử trí sớm. Do hiện nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ là điều trị triệu chứng nên khi khám phát hiện trẻ mắc bệnh này, bác sĩ sẽ chỉ định cho điều trị ngoại trú hay tại nhà. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ và cho trẻ nghỉ ngơi tuyệt đối, không nên để trẻ nô đùa nhiều và nên tránh dùng quần áo quá dày hoặc mặc nhiều áo quần hay ủ kín trẻ.

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện. Ảnh: TTXVN

Trẻ mắc sốt xuất huyết sẽ bị đau nhức cơ thể, khó chịu, mệt, nhạt miệng nên rất lười ăn uống. Để bảo đảm đủ chất, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, những thức ăn lỏng như cháo, súp, sữa... và chia nhỏ thành nhiều bữa. Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù dắp lượng nước bị mất do sốt, cho trẻ uống nước pha từ oresol thì càng tốt.

Không cạo gió, vì làn da của trẻ mỏng manh sẽ làm trẻ đau và có thể gây chảy máu, nhiễm trùng cho trẻ. Sốt xuất huyết có khả năng làm chảy máu tiêu hóa, chảy máu chân răng, do đó không cho trẻ uống những loại nước có màu đen hoặc đỏ như Coca, Pepsi, xá xị… vì có thể gây nhầm lẫn và khó nhận biết được tình trạng chảy máu tiêu hóa ở trẻ.

Khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết, cha mẹ cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế nếu thấy có những dấu hiệu bất thường như tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống; trẻ đau bụng, nôn nhiều, nôn khan; trẻ quấy khóc, bứt rứt, trăn trở khó chịu hoặc li bì hoặc chảy máu cam, máu răng hoặc nôn ra máu, tiêu phân đen…