Theo thông tin tại buổi tập huấn toàn quốc về tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết do Bộ Y tế tổ chức ngày 22/6, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 ca tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là gần 48.000 (tăng khoảng 97% so với năm 2021), số ca tử vong tăng 24 trường hợp.

So sánh với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất so với Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Singapore.

Theo Bộ Y tế, giai đoạn hiện nay là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Bộ Y tế dự báo số mắc sốt xuất huyết thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Chuyên gia khuyến cáo, một số trường hợp mắc sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà, tuy nhiên việc theo dõi tại nhà phải cần tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ.

Những lưu ý khi theo dõi, chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết tại nhà

- Hạ sốt: Lau mát tích cực. Khi cần hạ sốt bằng thuốc chỉ được sử dụng Paracetamol.

Lưu ý: Người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà tuyệt đối không được dùng aspirin hoặc ibuprofen để hạ sốt mà chỉ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38,5 độ C với liều paracetamol 10-15mg/kg/lần, có nghĩa là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần và người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách 4-6h uống 1 lần kết hợp với hạ sốt bằng phương pháp vật lý như kể trên.

Trong ngày thứ 4 - 7, người nhà đặc biệt chú ý, khi người bệnh có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng, rong kinh... cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị.

Một số người thường có suy nghĩ cần phải truyền dung dịch muối, dung dịch sinh tố hay truyền đạm sau khi bệnh nhân ra viện để bồi bổ sức khỏe là không nên vì giai đoạn này cơ thể tái hấp thu dịch, nguy cơ thừa dịch là rất nguy hiểm. Đặc biệt, việc truyền dịch tại gia đình hoặc cơ sở y tế tư nhân khi chưa có kiến thức sâu về bệnh sốt xuất huyết, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà
Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà.

- Ăn: thức ăn lỏng, dễ tiêu. Không dùng: thức ăn, nước uống có màu đen, đỏ, nâu.

- Uống: nhiều nước để bù vào lượng nước đã mất do sốt cao, ăn uống kém, có thể uống các loại nước dinh dưỡng từ trái cây, sữa để cung cấp thêm vitamin, chất khoáng, năng lượng.

- Để giúp nhiệt độ cơ thể tỏa ra nhanh hơn, bệnh nhân nên mặc quần áo thoáng bởi khi người bệnh sốt cao, cơ thể thường có cảm giác ớn lạnh, nhiều người không biết lại đắp chăn hoặc mặc nhiều quần áo cho người bệnh, việc làm này càng làm hạn chế việc tỏa nhiệt của cơ thể khiến bệnh sốt xuất huyết điều trị lâu hơn và dẫn đến biến chứng nặng;

- Tái khám: theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc ngay khi có dấu hiệu trở nặng.

- Đối với trẻ nhỏ, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn thường ngày, dễ tiêu. Nếu trẻ ăn ít hoặc bị nôn thì cần cho ăn nhiều bữa để cung cấp đủ năng lượng cho trẻ. Tránh các loại thức ăn có nhiều mỡ. Trẻ đang bú mẹ thì nên cho trẻ bú thêm số lần và kéo dài thêm thời gian. Cần dùng thêm sữa để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ.

Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết trở nặng

Giai đoạn hết sốt (thường vào ngày thứ 5 - 7 của bệnh) là giai đoạn bệnh thường tiến triển nặng, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh.

- Đau bụng, buồn nôn hoặc nôn.

Dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân sốt xuất huyết.
Dấu hiệu chuyển nặng của bệnh nhân sốt xuất huyết.

- Có dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiểu ra máu, đi tiêu ra máu hoặc tiêu phân đen, chảy máu âm đạo ở nữ.

- Tay chân lạnh, hết sốt nhưng vẫn mệt, ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu li bì

- Thay đổi tri giác (kích thích, lơ mơ, co giật …)

Khi thấy người bệnh có một trong các dấu hiệu trở nặng trên, cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị thích hợp.