Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 78 nghìn tấn
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 11/2021 đạt 78 nghìn tấn

Giá cà phê thế giới trong tháng 11 tiếp tục tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 77,9% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 195,17 US cent/pound. Đây là mức giá trung bình hàng tháng cao nhất trong 10 năm qua.

Tháng 11, giá cà phê thế giới tăng lên mức cao 10 năm do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng quốc tế có thể kéo dài tới năm sau.

Ở thị trường trong nước, tháng 11 là giai đoạn khu vực Tây Nguyên thu hái cà phê với tổng diện tích cà phê tại khoảng 540.000 ha và sản lượng dự kiến 1,6 triệu tấn.

Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được 40% diện tích cà phê, tuy nhiên họ đang phải đối mặt với tình trạng thời tiết không thuận lợi, cùng với việc thiếu lao động do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và phơi sấy cà phê niên vụ mới 2021/2022. Điều này góp phần đẩy ra giá cá phê tiếp tục tăng mặc dù vẫn đang thời gian thu hoạch.

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 11 đạt 78 nghìn tấn, trị giá 181 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 16,5% về trị giá so với tháng 10/2021; so với tháng 11/2020 giảm 6,9% về lượng, nhưng tăng 12,6% về trị giá.

Tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 2,63 tỷ USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 và 10 tháng năm 2021
Chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 10 và 10 tháng năm 2021

Về chủng loại, lượng xuất khẩu cà phê robusta, arabica, cà phê chế biến tăng, nhưng xuất khẩu cà phê excelsa giảm. Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê giảm, ngoại trừ cà phê chế biến.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, robusta là chủng loại cà phê xuất khẩu lớn nhất trong tháng 10/2021, đạt 85,7 nghìn tấn, trị giá 157 triệu USD, tăng 10,6% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với tháng 10/2020.

Tuy nhiên, trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê robusta giảm 3,2% về lượng, nhưng tăng 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta sang một số thị trường chủ lực giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá, gồm: Đức, Mỹ, Algeria, Thái Lan. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê robusta sang một số thị trường tăng cả về lượng và trị giá như: Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Anh.

Dự báo, với tình hình nguồn cung hạn chế ở một số nước lớn như Brazil, Colombia và một số nước khu vực Nam Mỹ, kèm theo đó nhu cầu dịp lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch tăng cao, giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục đà tăng mạnh. Điều này giúp cà phê Việt Nam được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn thu hoạch, nguồn cung dồi dào hơn, giúp khỏa lấp một phần khoảng trống trong nguồn cung.

Hiện tại, do thiếu nguồn cung hạt arabica, một số nhà rang đang tìm đến phương án phối trộn cà phê arabica và robusta nhằm hạ giá bán. Điều này về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê robusta rang xay và lợi thế tiếp tục nghiêng về Việt Nam (với trên 90% diện tích cà phê là robusta).

Mặc dù vậy, nỗi lo về biến thể Omicron vẫn còn hiện hữu khi mức độ ảnh hưởng của biến thể vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết do ảnh hưởng của việc vận chuyển nên rất nhiều đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã bị đối tác EU hủy và chuyển sang nhập khẩu từ các thị trường khác. Dự kiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với rủi ro tắc nghẽn đến cuối năm 2022.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vẫn dự báo, trong niên vụ cà phê 2021-2022 Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê so với niên vụ 2020-2021.