Nhật Bản vẫn chưa có tuyên bố chính thức về lệnh hạn chế bán chất cản quang cho Trung Quốc. Tuy nhiên, các cơ quan trung ương tại thủ đô Tokyo được cho là đang cân nhắc phản ứng với các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn (sản xuất chip) của Trung Quốc.

Trong một thời gian, Trung Quốc đã phụ thuộc vào Nhật Bản về nguồn cung chất cản quang - vật liệu nhạy sáng được sử dụng trong một số quy trình, chẳng hạn như quang khắc, để tạo thành lớp phủ có hoa văn trên bề mặt chip.

Trung Quốc đứng trước mối quan ngại Nhật Bản hạn chế xuất khẩu chất cản quang trong sản xuất chip
Chất cản quang là một hoá chất sử dụng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn. (Ảnh: Japan Times)

Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý tham gia cùng Hoa Kỳ trong việc hạn chế các thiết bị và vật liệu chip tiên tiến cho Trung Quốc. Mặc dù Nhật Bản vẫn chưa đưa ra quyết định chính thức về chất cản quang, nhưng quốc gia này cũng đã từng nhiều lần chặn xuất khẩu hóa chất trong quá khứ.

Trước sự cân nhắc này từ phía Nhật Bản, các nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang chuyển hướng sang mua các công ty có khả năng hoặc có tiềm năng sản xuất chất cản quang có thể thay thế cho các sản phẩm của Nhật Bản.

Động thái này cũng khiến giá trị của các công ty thay thế này tăng đáng kể chỉ trong vài ngày qua. Đơn cử, Jiangsu Nata Optoelectronic Material Co, công ty phát triển một loại chất cản quang, tăng 13% lên 34,31 nhân dân tệ mỗi cổ phiếu. Crystal Clear Electronic Material Co, công ty sản xuất vật liệu siêu tinh khiết cho Semiconductor Manufacturing International Corp, đã tăng 7,3% lên 17,71 nhân dân tệ.

Công ty Công nghệ Cảm quang Rongda Thâm Quyến và Công ty Công nghiệp Tongyi Thâm Quyến, cả hai đều chuyên về hóa chất sử dụng trong quá trình sản xuất chip, đều tăng 20% giá trị.

“Các nhà sản xuất trong nước có thể tạo ra chất cản quang cho các con chip cũ, nhưng chất cản quang cao cấp vẫn rất khó để sản xuất trong nước”, một nhà đầu tư Trung Quốc chia sẻ với South China Morning Post.

Cho đến nay, rất ít công ty Trung Quốc có thể sản xuất hàng loạt chất cản quang ArF và EUV. Beijing Kempur Microelectronics và Xuzhou B&C Chemical Co có khả năng sản xuất hàng loạt chất cản quang KrF. Vào cuối năm 2020, Jiangsu Nata Opto thông báo rằng họ đã “phát triển độc lập” một chất cản quang ArF, nhưng công ty vẫn đang gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt hóa chất này.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng, ngay cả khi có bước đột phá trong nghiên cứu và phát triển, Trung Quốc vẫn sẽ mất nhiều thời gian để sản xuất hàng loạt chất cản quang cao cấp, ít nhất từ “một năm rưỡi đến ba năm để chuyển từ nghiên cứu và phát triển sang sản xuất hàng loạt”.

Doanh số bán chất cản quang ở Trung Quốc lên tới 8,74 tỉ nhân dân tệ (1,12 tỉ USD) vào năm 2020, chiếm khoảng 1/7 tổng doanh số toàn cầu. Tuy nhiên, theo một báo cáo năm 2020 do viện ResearchInChina công bố, việc cung cấp chất cản quang bán dẫn cao cấp KrF/ArF vẫn do các doanh nghiệp Nhật Bản và Hoa Kỳ chi phối.

Theo đó, có bốn công ty Nhật Bản là JSR, Tokyo Ohka Kogyo, Shin-Etsu Chemical và Fujifilm Electronic Materials, đã chiếm 3/4 thị trường toàn cầu về các chất cản quang cao cấp và gần như độc quyền về chất cản quang cực tím (EUV).

Mặc dù chưa thể biết rằng nếu Nhật Bản đưa ra hạn chế xuất khẩu chất cản quang cho Trung Quốc thì tác động đối với ngành bán dẫn nước này sẽ tới mức độ nào.

Trong quá khứ, vào tháng 7/2019, chính phủ Nhật Bản đã quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách các quốc gia được miễn kiểm soát xuất khẩu đối với một số sản phẩm. Các doanh nghiệp Nhật Bản đã phải xin giấy phép xuất khẩu cho hydro florua, chất cản quang và polyimide flo hóa. Điều này đã giáng một đòn nặng nề vào ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc vào thời điểm đó..