Nhiều địa phương chậm đề án xã hội hóa đầu tư cảng hàng không

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo Đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác các cảng hàng không.

Theo Bộ GTVT cho biết thời gian qua, để hỗ trợ các địa phương, Bộ đã xây dựng đề cương các nội dung chính của Đề án, gửi tới UBND các tỉnh, thành để tiếp tục nghiên cứu, lập Đề án đối với cảng hàng không thuộc địa phận của địa phương, báo cáo Tổ công tác theo kế hoạch.

Quá trình triển khai, Bộ GTVT đã tiếp tục có văn bản đôn đốc các địa phương được giao nhiệm vụ lập Đề án khẩn trương hoàn thiện để kịp thời tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

Tuy nhiên, do tính chất phức tạp về quản lý đất đai, quản lý tài sản cũng như việc tổ chức khai thác các cảng hàng không hiện hữu, công tác triển khai lập Đề án của các địa phương chưa bảo đảm theo tiến độ đề ra.

Đến nay, Bộ GTVT mới nhận được Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không do UBND các tỉnh Quảng Nam, Sơn La, Thanh Hóa, Lâm Đồng lập.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đã gửi Đề án lấy ý kiến các cơ quan liên quan để UBND các tỉnh tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Tổ công tác theo quy định.

Bộ GTVT cho rằng tiến độ báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không trong quý IV/2022 là khó khả thi. Ảnh minh họa
Bộ GTVT cho rằng tiến độ báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không trong quý IV/2022 là khó khả thi. Ảnh minh họa

Bộ GTVT đang tiếp tục tổng hợp ý kiến của các cơ quan để chuyển tới UBND các tỉnh. Đối với các địa phương còn lại (Nghệ An, Ninh Thuận, Đồng Nai, Cần Thơ), Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc để bảo đảm triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Từ đây, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng tiến độ báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không trong quý IV/2022 là khó khả thi. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn thời hạn báo cáo kết quả nghiên cứu tới thời điểm quý I/2023 để các địa phương có thời gian hoàn chỉnh Đề án.

Trước đó, vào cuối tháng 9/2022, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng. Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại sân bay quân sự Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận) và sân bay quân sự Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Đồng thời, nghiên cứu Đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP khai thác các cảng hàng không Nà Sản (tỉnh Sơn La), Vinh (tỉnh Nghệ An), Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) và một số cảng hàng không khác khi có nhu cầu và báo cáo Thường trực Chính phủ kết quả nghiên cứu trong quý IV/2022.

TP HCM tính thu hồi 2 dự án xử lý rác trị giá ngàn tỷ ở Củ Chi

Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường vừa giao Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp Sở Kế hoạch Đầu tư và các sở ngành liên quan xem xét, đề xuất thu hồi chủ trương thực hiện dự án xử lý rác thải của Công ty CP Tasco và nhà đầu tư Trisun Green Energy Corporation (Úc). Yêu cầu này được đưa ra sau buổi làm việc về chuyên đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt hồi giữa tháng 12/2022.

Dự án nhà máy đốt rác bằng năng lượng sét nhân tạo của Trisun Green Energy Corporation rộng 13 ha tại khu Liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp. Công trình có tổng đầu tư khoảng 520 triệu USD (hơn 12.000 tỷ đồng), với công suất tiêu hủy 1.000 tấn rác thải rắn và 2.000 tấn chất thải nguy hại mỗi ngày được cấp phép năm 2017.

Còn nhà máy xử lý tái chế chất thải rắn do Công ty CP Tasco thực hiện ở Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất xử lý 500 tấn rác mỗi ngày. Công trình đã được khởi công cách đây 4 năm, dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng quá trình triển khai chậm trễ do vướng thủ tục.

Đây là các dự án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại được TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng tiến độ chậm nên bị xem xét thu hồi. TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%.

Khoảng 69% rác thải ở TPHCM được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư.  Ảnh: Tiền Phong
Khoảng 69% rác thải ở TPHCM được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư. Ảnh: Tiền Phong

Ngoài hai dự án này, trên địa bàn TP HCM còn các công trình xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện của Công ty Vietstar, Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, thực hiện từ năm 2019, dự kiến hoàn thành sau một năm nhưng đến nay đều chưa xong.

Do đó, UBND TP HCM yêu cầu các sở ngành liên quan kiểm tra, làm việc với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc về thủ tục, giúp đẩy nhanh tiến độ. Trường hợp dự án triển khai chậm trễ, không đảm bảo pháp lý thì tham mưu UBND TP HCM biện pháp chế tài hoặc thu hồi.

Để chuẩn bị phương án dự phòng đảm bảo an toàn, an ninh chất thải trên địa bàn, lãnh đạo UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên Môi trường rà soát, đánh giá sự cần thiết của việc điều phối lượng chất thải rắn sinh hoạt về bãi chôn lấp số 3 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc trong tình huống khẩn cấp.

Đồng thời, rà soát hiện trạng khu đất tại các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và theo quy hoạch, đề xuất quy mô, vị trí đầu tư thêm bãi chôn lấp dự phòng theo hình thức đầu tư công.

Hiện tại, mỗi ngày có khoảng 10.000 tấn rác thải phát sinh trên địa bàn TP HCM, trong đó khoảng 69% được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nguy cơ gây ô nhiễm cho các khu dân cư, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt, sản xuất phân bón, tái chế...

Quy hoạch TP Nha Trang rộng thêm 880 ha

Ngày 27/12, nguồn tin PLO xác nhận ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc thẩm định đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040.

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp cùng đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan tổ chức lập đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hồ sơ đã được lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư, HĐND TP Nha Trang và huyện Diên Khánh cùng các sở ban ngành.

Theo đồ án, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 27.500 ha. Trong đó khoảng 26.600 ha thuộc TP Nha Trang (gồm 25.400 ha diện tích tự nhiên và khoảng 1.200 ha diện tích mặt biển) và khoảng 880 ha thuộc các xã Diên An, Diên Toàn, Suối Hiệp và thị trấn Diên Khánh của huyện Diên Khánh. Thời gian quy hoạch đến năm 2040.

TP Nha Trang sẽ trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế; là đô thị hạt nhân, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh và là trung tâm kinh tế, du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Đồng thời có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

Đến năm 2030, quy mô dân số của thành phố khoảng 640.000 người và đến năm 2040 khoảng 780.000 người.

Nha Trang được quy hoạch trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế. Ảnh: PLo.vn
Nha Trang được quy hoạch trở thành đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế. Ảnh: PLo.vn

Đồ án cũng nêu rõ các chiến lược phát triển của TP Nha Trang gồm bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên. Cụ thể sẽ bảo tồn và phát huy giá trị di sản tự nhiên vịnh Nha Trang như rạn san hô, đảo yến, rừng ngập mặn..

Đồng thời phát triển du lịch sẽ là ngành kinh tế chính của thành phố dựa trên các tiềm năng, nâng cao vị thế và kết hợp những giá trị mới của thời đại và truyền thống của TP Nha Trang. Cùng với đó là phát triển văn hóa – xã hội, đa dạng hóa hoạt động kinh tế, phát triển thành phố thông minh.

Về tổng thể không gian đô thị, TP Nha Trang sẽ phát triển mở rộng không gian đô thị tại các khu vực có tiềm năng nhưng vẫn đảm bảo bảo tồn, tôn tạo và phát huy được các giá trị cảnh quan đặc trưng.

Trong đó, xây dựng và tổ chức hệ thống hạ tầng xanh, không gian mở làm trung tâm, khung định dạng để kiểm soát các không gian phát triển đô thị và du lịch. Đồng thời tổ chức không gian đô thị phù hợp với quy luật kinh tế.

Thành phố sẽ được hướng dẫn và kiểm soát phát triển theo 14 phân khu phù hợp với đặc điểm hiện trạng và tiềm năng phát triển của từng phân khu. Từ đó, mỗi khu vực có thể phát triển một cách năng động, hiệu quả và có bản sắc về kinh tế - xã hội - cảnh quan.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa, đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040 là công cụ quan trọng và cần thiết để triển khai phát triển TP Nha Trang trở thành đô thị hạt nhân của tỉnh.

Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa kính đề nghị Bộ Xây dựng xem xét thẩm định đồ án để làm cơ sở hoàn chỉnh hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Sắp mở bán dự án khu đô thị Bến Bắc Riverside tại Lạng Sơn

Bến Bắc Riverside có vị trí tọa lạc tại Khối 9 - Khối 10, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Dự án nằm cạnh đường Bến Bắc và kế bên dòng sông Kỳ Cùng, thuận tiện di chuyển đến các khu vực lân cân và thành phố Lạng Sơn.

Bến Bắc Riverside có tổng diện tích 9,94 ha, dự án có hệ số xây dựng 40% diện tích sử dụng đất với tổng mức đầu tư trên 439,1 tỷ đồng. Dự án được thiết kế theo mô hình compound khép kín với các loại hình biệt thự, nhà phố và nhà vườn.

Dự án Bến Bắc Riverside sở hữu hệ thống tiện ích bao gồm: bể bơi vô cực, trung tâm thương mại 5 sao, công viên sinh thái, quảng trường Hoa Hồi biểu tượng, hệ thống thể dục thể thao, vườn hồng, khu vui chơi trẻ em…

Tin bất động sản ngày 28/12: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được bổ sung vốn hơn 900 tỷ đồng
Phối cảnh dự án Bến Bắc Riverside.

Chủ đầu tư dự án Bến Bắc Riverside Lạng Sơn là Công ty TNHH Sản xuất, Lắp ráp Tuấn Nghĩa, được thành lập ngày 25/09/2002, đặt trụ sở tại số 18 Trần Quang Diệu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Được biết, dự án Bến Bắc Riverside có tên pháp lý là Khu đô thị mới Bến Bắc, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Được khởi công xây dựng vào ngày 21/05/2022 tại khối 9 phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành xây dựng trong năm 2025. Hiện UBND thành phố Lạng Sơn đã thực hiện giải phóng mặt bằng đạt 70% diện tích và phấn đấu trong năm 2022 bàn giao xong mặt bằng cho chủ đầu tư.