Khánh Hòa được phép chuyển đổi dưới 500 ha đất trồng lúa

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định quy định thí điểm về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Quyết định được ký vào ngày 24/2, căn cứ theo Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Quyết định được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư yêu cầu thuộc trường hợp quyết định quy định và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, dự án phải đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất. Đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, dự án phải có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy của pháp luật về trồng trọt.

Quy trình đề nghị chấp thuận chuyển đổi mục đích gồm các bước: UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng quy định và đáp ứng điều kiện quy định theo quyết định.

Chính quyền cấp huyện gửi tổng hợp về Sở TN&MT để lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án. Đối với trường hợp dự án thực hiện tại địa bàn 2 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với Sở TN&MT.

HĐND tỉnh Khánh Hòa được chuyển đổi mục đích đất trồng lúa quy mô dưới 500 ha. Ảnh: PLO.vn
HĐND tỉnh Khánh Hòa được chuyển đổi mục đích đất trồng lúa quy mô dưới 500 ha. Ảnh: PLO.vn

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở TN&MT trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn ba ngày từ khi nhận được hồ sơ.

Trong thời hạn 15 ngày, Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có đất lấy ý kiến về vị trí, quy mô sử dụng đất của dự án đầu tư; ảnh hưởng đối với người có đất bị thu hồi (đời sống, việc làm, chuyển đổi nghề); tác động của việc chuyển mục đích sử dụng đất đến cộng đồng dân cư.

Sau đó, Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, UBND cấp huyện nơi có đất để tổng hợp, giải trình, tiếp thu các ý kiến và lập hồ sơ đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất để trình UBND tỉnh Khánh Hòa.

UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm tổ chức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn không quá 10 ngày từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, UBND tỉnh thông báo cho Sở TN&MT trong thời hạn không quá hai ngày.

Sau đó, UBND tỉnh quyết định hình thức thẩm định thông qua hội đồng thẩm định hoặc tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận.

Sau khi hoàn tất các thủ tục, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả chuyển mục đích sử dụng đất hàng năm.

Quyết định này có hiệu lực cho đến khi Nghị quyết 55 của Quốc hội hết hiệu lực.

Hải Phòng sẽ lập chợ tạm Tam Bạc rộng khoảng 11.000m2

Ngày 26/2, lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng đã tổ chức đối thoại với các tiểu thương kinh doanh tại chợ Tam Bạc để tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương sau vụ cháy chợ. UBND yêu cầu các ban, ngành chức năng nghiên cứu lập chợ tạm Tam Bạc trên diện tích khoảng 11.000m2.

Theo TTXVN, sau khi UBND quận Hồng Bàng phê duyệt chi hơn 7,6 tỉ đồng hỗ trợ tiểu thương trong vụ cháy tại chợ Tam Bạc, ngày 26/2, UBND thành phố đã có buổi đối thoại với các tiểu thương kinh doanh tại chợ Tam Bạc để tháo gỡ khó khăn.

Tại cuộc đối thoại, các tiểu thương chợ Tam Bạc kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng sớm có phương án xây lại chợ mới trên nền chợ Tam Bạc vừa bị hỏa hoạn. Trước mắt, các tiểu thương đề nghị UBND thành phố Hải Phòng, quận Hồng Bàng tạo điều kiện, bố trí cho các tiểu thương kinh doanh tại khu vực gần chợ cũ để tiểu thương thuận lợi kinh doanh, buôn bán và sớm ổn định cuộc sống.

Chợ Tam Bạc có 775 quầy hàng gồm 707 gian hàng và 68 kho với 428 hộ kinh doanh tại chợ. Vụ hỏa hoạn vào ngày 12/2 đã gây thiệt hại hoàn toàn 664 quầy hàng, 49 quầy hàng bị thiệt hại một phần; 62 quầy hàng không bị thiệt hại.

Hải Phòng sẽ lập chợ tạm Tam Bạc trên diện tích khoảng 11.000m2 để hỗ trợ tiểu thương ổn định kinh doanh. Ảnh: TTXVN
Hải Phòng sẽ lập chợ tạm Tam Bạc trên diện tích khoảng 11.000m2 để hỗ trợ tiểu thương ổn định kinh doanh. Ảnh: TTXVN

Sau khi xảy ra hỏa hoạn, UBND quận Hồng Bàng đã có phương án bố trí 431 quầy tại các chợ trên địa bàn để tiểu thương chợ Tam Bạc kinh doanh. Cùng với đó, quận này đã phê duyệt hơn 7,6 tỉ đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ các tiểu thương bị thiệt hại, bị ảnh hưởng vụ cháy chợ và tiếp nhận nguyện vọng của tiểu thương về địa điểm kinh doanh tạm tại các chợ trên địa bàn.

TTXVN dẫn lời Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho tiểu thương, UBND thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu lập chợ tạm Tam Bạc trên diện tích khoảng 11.000m2 thuộc khu đất rộng hơn 25.331 m2 tại số 3 Lê Thánh Tông (quận Ngô Quyền), cách chợ tạm khoảng vài km để bố trí cho các hộ kinh doanh.

UBND thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu các ngành chức năng nghiên cứu, lập phương án xây dựng lại chợ Tam Bạc. Việc xây lại chợ mới phải đảm bảo quy mô, các điều kiện cần thiết để tổ chức kinh doanh chợ, an toàn PCCC theo đúng quy định pháp luật.

Nhiều địa phương than khó xác định giá đất theo thị trường

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa tổ chức tại Bắc Ninh, nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng cần hướng dẫn rất cụ thể về xác định giá đất.

Dẫn thực trạng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho rằng việc xác định giá đất phổ biến hiện nay rất khó khăn, phức tạp do giá đất phụ thuộc vào từng thời điểm và số lượng giao dịch, chuyển nhượng trên thị trường (một số khu vực không phát sinh giao dịch, chuyển nhượng).

Lãnh đạo tỉnh này cho rằng cần quy định cách xác định giá đất phổ biến trên thị trường tại nghị định, thông tư kèm theo hướng dẫn cụ thể, chi tiết thay vì quy định tại Luật Đất đai (sửa đổi).

Tương tự, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho rằng mặc dù dự thảo Luật đã giải thích về nguyên tắc phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường nhưng thực tế còn gặp nhiều vướng mắc.

"Cụ thể, việc điều tra, khảo sát giá đất phổ biến trên thị trường để phục vụ công tác xác định giá đất cụ thể còn gặp khó khăn do không có cơ sở xác nhận tính trung thực của người cung cấp thông tin về giá đất", bà nói.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn phức tạp, chưa phù hợp với thực tiễn tại nhiều địa phương.

"Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể và có định lượng về các nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất để có thể lượng hóa như thế nào là giá đất xuất hiện với tần suất nhiều nhất, xuất hiện trong khoảng thời gian nhất định là trong bao lâu...", lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đề xuất.

Nêu thực tế khó khăn trong định giá đất theo sát giá thị trường, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thiết kế theo hướng thu thập, cập nhật dữ liệu giao dịch đất đai thường xuyên, trong điều kiện ổn định bình thường.

Từ đó thiết lập xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, đa mục tiêu, lập 'bản đồ' giá đất trên cả nước. Đây là cơ sở để thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai, đền bù, bồi thường, tái định cư...

"Trong khi chưa có đầy đủ dữ liệu đất đai, cần tiếp tục áp dụng các phương pháp xác định giá đất trong trường hợp đền bù hoặc có các hoạt động thương mại, chuyển mục đích sử dụng đất", Phó thủ tướng nêu quan điểm.

Theo ông, Nhà nước là đại diện sở hữu đất đai toàn dân, nên cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả, thống nhất về giá đất, làm cơ sở đền bù, tái định cư, bảo đảm công bằng, điều chỉnh hài hòa lợi ích của các chủ thể liên quan, giữa các vùng miền, khu vực khác nhau.

Dự án khu đô thị Tiến Phan Nhã Nam tại Bắc Giang

Khu đô thị Tiến Phan Nhã Nam có vị trí tọa lạc tại đường ĐT 284, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Dự án nằm cạnh tuyến đường ĐT 294 nối liền hai tỉnh Bắc Giang và Thái Nguyên

Khu đô thị Tiến Phan Nhã Nam có tổng diện tích quy hoạch 6,78 ha, trong đó: Diện tích đất ở là 2,28 ha chiếm 33,71%; đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật 3,7 ha chiếm 54,72%; phần còn lại dành cho đất cây xanh, công cộng và bãi gửi xe.

Dự án được thiết kế xây dựng theo mô hình đất nền phân lô, cung cấp ra thị trường 256 lô bao gồm đất nền biệt thự, liền kề và shophouse. Mỗi lô đất có điện tích đa dạng từ 80 – 139,3 m2.

Khu đô thị Tiến Phan Nhã Nam.
Khu đô thị Tiến Phan Nhã Nam.

Từ dự án, cư dân thuận tiện di chuyển đến các tiện ích lân cận như: Nằm sát trường mầm non, chợ, cách UBND thị trấn Nhã Nam 500 m, cụm công nghiệp Tân Yên cách 500 m, bến xe Nhã Nam 1 km, trường tiểu học, THCS, THPT Nhã Nam trong bán kinh 1 km, quảng trường thị trấn Nhã Nam 1,2 km, phòng khám đa khoa Tâm Phúc - Nhã Nam 1,2 km, trung tâm huyện Tân Yên 6 km, trung tâm thành phố Bắc Giang 20 km.

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Tiến Phan Nhã Nam là Tổng công ty TNHH Xây Dựng An Bình được thành lập ngày 13/10/2009, đặt trụ sở tại số nhà 177, đường Ngọc Hân Công Chúa, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Các sản phẩm tại dự án Khu đô thị Tiến Phan Nhã Nam có mức giá tham khảo trên thị trường khoảng 18 triệu đồng/m2.