Hải Phòng: Tạm chưa thu tiền thuê nhà tại các chung cư mới xây dựng

Chiều tối ngày 19/2, UBND TP Hải Phòng đã ra thông báo về việc tạm thời chưa thu tiền thuê nhà chung cư mới xây dựng thuộc sở hữu nhà nước theo giá mới để chờ các cơ quan chuyên môn xây dựng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện trình tự, thủ tục về cơ chế hỗ trợ giá thuê nhà ở.

Tại cuộc họp, sau khi xem xét các báo cáo và đề xuất của Sở Xây dựng và Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng, đồng thời nghe các ý kiến lãnh đạo các đơn vị liên quan, tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng thống nhất: Tạm thời chưa thực hiện thu tiền thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại các chung cư N1-N2 Lê Lợi, U19 Lam Sơn, Đ2 Đồng Quốc Bình và HH3-HH4 Đồng Quốc Bình trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND thành phố giao Sở Xây dựng hoàn thiện hồ sơ, thực hiện trình tự, thủ tục xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về cơ chế hỗ trợ giá thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước tại các khu chung cư nói trên để UBND thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố ban hành vào kỳ họp đầu năm sau.

UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Xây dựng tính toán, đề xuất thành phố phê duyệt giá thuê nhà ở đối với các chung cư HH1-HH2 Đồng Quốc Bình và các khu chung cư: Khúc Thừa Dụ, Vĩnh Niệm, Kênh Dương, Đông Khê, Cát Bi, báo cáo thành phố trong tháng 2/2023.

Hải Phòng tạm hoãn thu tiền thuê nhà đối với các khu chung cư mới xây dựng trên địa bàn thành phố. Ảnh: Lao Động
Hải Phòng tạm hoãn thu tiền thuê nhà đối với các khu chung cư mới xây dựng trên địa bàn thành phố. Ảnh: Lao Động

Như Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, sau khi có thông báo áp giá thuê mới theo quyết định của UBND thành phố, hàng trăm hộ dân trong các chung cư nói trên không khỏi lo lắng vì mức thuê nhà bị tăng vọt gấp 7-9 lần, vượt quá khả năng tài chính cũng như nguồn thu nhập của họ.

Điều đáng nói, phần lớn cư dân sống trong các khu chung cư này đều là những người nghỉ hưu, không còn sức lao động, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, sức khỏe yếu..., thu nhập mỗi tháng chỉ từ 3-5 triệu đồng. Theo giá thuê hiện nay, mỗi tháng họ chỉ phải chi trả cho tiền nhà gần 500 ngàn/đồng/tháng với căn hộ từ 40-50 m2. Nhưng theo giá mới mà UBND TP Hải Phòng ban hành hồi tháng 11/2022 thì giá thuê bị đội lên gấp 7-9 lần, vượt quá khả năng của họ.

Cụ thể, theo Quyết định trên, giá thuê tại các chung cư mới sau khi cải tạo, xây dựng lại trên địa bàn TP Hải Phòng được áp dụng như sau: Tại chung cư N1 –N2 Lê Lợi có tổng giá thuê nhà ở là 94.674 đồng/m2/tháng (trong đó bao gồm tiền thuê nhà là 93.421 đồng và 1.253 đồng chi phí bảo trì); Chung cư U19 Lam Sơn có tổng giá thuê là 51.480 đồng/m2/tháng; Chung cư Đ2 Đồng Quốc Bình có tổng giá thuê là 70.611 đồng/m2/tháng; khu HH3-HH4 Đồng Quốc Bình có tổng giá thuê là 65.128 đồng/m2/tháng.

Từ năm 2016 – 2022, thành phố Hải Phòng đã xây dựng mới các chung cư U19 Lam Sơn, N1-N2 Lê Lợi; HH1 - HH2 và HH3 - HH4 Đồng Quốc Bình. Hàng ngàn hộ dân ở trong các khu nhà tập thể cũ nát được chuyển sang ở chung cư mới khang trang sạch đẹp. Hiện thành phố cũng đã có Đề án xây dựng nhà ở xã hội để thay thế những khu chung cư cũ đã xuống cấp được xây dựng từ nhiều chục năm trước.

Quảng Trị hủy bỏ quy hoạch tại một số dự án 'treo' nhiều năm

Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, UBND tỉnh này vừa quyết định hủy bỏ 2 quy hoạch xây dựng dọc ven biển.

Lý do là dự án không triển khai thực hiện và không có tính khả thi. Các quy hoạch xây dựng này đều thuộc Khu dịch vụ - du lịch dọc tuyến đường ven biển Cửa Tùng – Cửa Việt (thuộc Khu kinh tế Đông Nam).

Đó là Quy hoạch chi tiết Khu Dịch vụ - Du lịch Resort Cửa Tùng, diện tích 14 ha với khu dịch vụ - du lịch tổng hợp Gio Hải 1 và Quy hoạch chi tiết Khu khách sạn nghỉ dưỡng Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Khu Dịch vụ - Du lịch Thủy Bạn, diện tích 23,1 ha.

Trong đó, Khu Dịch vụ - Du lịch Resort Cửa Tùng có diện tích 14ha, được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt tại Quyết định số 2440/QĐ-UBND, ngày 22/11/2007. Dự án do Công ty CP Dịch vụ du lịch và Thương mại Cửa Tùng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, dự án đã bị UBND tỉnh Quảng Trị chấm dứt hoạt động từ năm 2021 do không được triển khai thực hiện.

Khu khách sạn nghỉ dưỡng Ngân hàng Công thương Việt Nam (xã Trung Giang, huyện Gio Linh) được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1720/QĐ-UBND vào ngày 9/9/2008. Năm 2016, dự án đã bị UBND tỉnh Quảng Trị ra quyết định thu hồi đất do nhà đầu tư không thực hiện dự án như đúng tiến độ cam kết.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng hủy bỏ Quy hoạch chi tiết Khu Dịch vụ - Du lịch tổng hợp Gio Hải 1 thuộc Khu Dịch vụ - Du lịch dọc tuyến ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, diện tích 20 ha, được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt năm 2010.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh này, việc hủy bỏ các quy hoạch này nhằm tạo cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch mới của tỉnh, bao gồm quy hoạch dọc ven biển Cửa Tùng – Cửa Việt để làm cơ sở cho thu hút đầu tư các dự án mới.

Cũng theo Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Trị, bờ biển huyện Gio Linh có 10 dự án du lịch, dịch vụ nằm trong khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, có chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Gần một nửa số dự án chậm tiến độ, có dự án bỏ hoang phải thu hồi.

Đơn cử, tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Dự án Khách sạn HP Pacifica được cấp chứng nhận đầu tư năm 2014 với tổng vốn 140 tỷ đồng. Dự án nằm ở mặt tiền hướng ra bãi biển đẹp nhất nhì tỉnh. Tuy nhiên, dự án đã xây dựng khối nhà 6 tầng, khu biệt thự hai tầng rồi bỏ hoang, sắt thép hoen gỉ, cỏ lác mọc um tùm.

Tháng 4/2020, tỉnh Quảng Trị quyết định chấm dứt dự án này. Hiện, tỉnh vẫn chưa có phương án với khu đất và dãy nhà đã xây dựng dở dang.

Tương tự, tại bờ biển thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Dự án Khu Đô thị sinh thái biển AE Resort Cửa Tùng, tổng mức đầu tư hơn 420 tỷ đồng, khởi công tháng 6/2019. Quảng Trị đã giao 10,6 ha đất trên tổng diện tích dự án là 36,5 ha để nhà đầu tư xây dựng. Sau khi xây dựng móng và đổ sàn một số biệt thự, hạ tầng kỹ thuật phân khu..., nhà đầu tư không có động thái tiếp tục.

Được biết, hiện UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, hoàn thiện hồ sơ để chấm dứt với 16 dự án không thực hiện, ngừng hoạt động. Với nhóm 19 dự án chậm trễ, tỉnh sẽ hỗ trợ nếu vướng mắc giải phóng mặt bằng, nhưng với dự án chây ì thì sẽ chấm dứt.

TP HCM bàn cách phát triển hệ sinh thái TOD gắn với 8 tuyến metro

Được xếp vào siêu đô thị với 13 triệu dân, TP HCM đứng trước nhiều thách thức giải quyết quá tải từ hạ tầng đô thị.

Trong bối cảnh này, TP HCM cũng đã nghiên cứu 2 đề án phát triển hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng (TOD) gắn với hạn chế giao thông cá nhân.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, đây là điều mà các thành phố lớn trên thế giới đều hướng tới.

Tại Hội thảo Phát triển theo định hướng TOD và quan hệ đối tác công tư (PPP) trong vận tải hành khách khối lượng lớn, chuyên gia Shige Sakaki (World Bank) định nghĩa TOD là chiến lược quy hoạch nhằm thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong thành phố mà đi bộ, đạp xe là giao thông chính.

Theo quy hoạch, TP HCM có 8 tuyến metro với tổng chiều dài 220 km cùng 3 tuyến Tramway, Monorail.

Ngoài tuyến metro số 1 sắp hoàn thành, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho hay TP HCM đang tiến hành và kêu gọi xúc tiến các tuyến metro tiếp theo. Tuy nhiên, nguồn lực cần cho giao thông công cộng là rất lớn. "Để hoàn thành cả 8 tuyến metro, ước tính TP.HCM cần 15 tỷ USD, tuy nhiên thành phố chỉ giải quyết được 15% trong số này", ông Lâm thông tin.

Giám đốc Sở GTVT cho biết TP HCM đang trình Trung ương xin 2 cơ chế chủ động điều chỉnh quy hoạch và cho địa phương được lựa chọn nhà đầu tư nhanh nhất, đề xuất luôn trường hợp chỉ định nhà đầu tư. Về việc khai thác quỹ đất lân cận nhà ga, công trình giao thông dọc theo tuyến, TP HCM cũng xin được mở rộng ranh, thu hồi thêm đất để tạo nguồn lực.

Tương tự, ông Bùi Xuân Nguyện, Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cho biết theo kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025, Quốc hội xác định tổng vốn đầu tư là 2,87 tỷ đồng. Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu đầu tư lên đến 3,9 tỷ đồng.

Tàu metro số 1 đang được cẩu xuống đường ra depot Long Bình (TP.Thủ Đức). Ảnh: Báo Người lao động
Tàu metro số 1 đang được cẩu xuống đường ra depot Long Bình (TP.Thủ Đức). Ảnh: Người lao động

Dự kiến giai đoạn 2022-2025, TP HCM cần 243.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, riêng vốn dành cho metro cần 103.000 tỷ đồng, chiếm 43%. Thế nhưng vốn ngân sách cho các dự án của TP.HCM được duyệt hàng năm chỉ khoảng 30.000 tỷ đồng. "Như vậy, TP HCM thiếu hụt trên 50% nguồn vốn dành cho hạ tầng trong những năm tiếp theo", ông Nguyện tính toán.

Theo chuyên gia, việc áp dụng quy hoạch TOD ở các khu đô thị trọng tâm, tận dụng hành lang quan trọng giúp sẽ giúp TP HCM tăng số lượng người dân đi lại bằng phương tiện công cộng; tận dụng tốt hơn một số nguồn thu.

Mặt khác, chuyên gia nhận định TOD còn giúp thành phố có hệ thống giao thông bền vững hơn, ngăn ngừa tình trạng phát triển đô thị tràn lan như ở một số thành phố lớn thời gian qua.

Song việc thiếu vốn đặt ra cho TP HCM bài toán làm thế nào để kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án tiếp theo gắn với mô hình TOD.

Ông Benedict - Trưởng đại diện Ban vận tải, đông Á, Thái Bình Dương (World Bank) khẳng định Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hỗ trợ TP HCM trong các dự án quan trọng.

Theo ông, quá trình phát triển TOD và phương thức đầu tư PPP được triển khai ở nhiều mạng lưới đường sắt tại một số quốc gia trên thế giới rất thành công.

"Hình thức đầu tư này sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng nguồn tài chính cho Nhà nước, đồng thời nâng cao năng lực sáng tạo của khu vực tư nhân", ông Benedict nói.

Để làm được, vị chuyên gia cho rằng TP HCM cần một chính sách TOD lớn cho toàn thành phố; đồng thời có kế hoạch TOD cho hành lang giao thông công cộng và cuối cùng là đánh giá mức độ sẵn sàng về phát triển TOD.

Phân khu căn hộ The Sea Class tại Charm Resort Hồ Tràm

The Sea Class là phân khu thuộc dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Charm Resort Hồ Tràm, có vị trí tọa lạc tại đường ven biển Hồ Tràm, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

The Sea Class là phân khu thứ hai tại dự án Charm Resort Hồ Tràm, có tổng diện tích 18,9 ha. Dự án được thiết kế xây dựng với mô hình tòa tháp căn hộ và biệt thự nghỉ dưỡng với mật độ chỉ 25%.

Giai đoạn đầu của dự án, The Sea Class có ra mắt thị trường tòa tháp Sophia, có chiều cao 20 tầng. Cung cấp ra thị trường các sản phẩm condotel, có kết cấu từ 1 – 3 phòng ngủ, diện tích từ 38 – 51 – 84 – 120 m2. Bên cạnh đó còn phát triển một số căn hộ duplex thông tầng.

Dự án The Sea Class sở hữu những tiện ích nội khu bao gồm: chuỗi tiện ích wellness chăm sóc sức khỏe, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, hồ bơi, khu công viên cây xanh, nhà hàng, trung tâm thể dục thể thao…

Từ dự án, thuận tiện di chuyển đến các khu vực tiện ích lân cận như: 5 phút đến sân golf The Bluffs Hồ Tràm và bãi tắm Hồ Cốc, 6 phút đến casino The Grand Hồ Tràm Strip, 15 phút tới khu du lịch Bình Châu, khoảng 40 phút tới sân bay Long Thành…

Phối cảnh tiện ích tại phân khu The Sea Class
Phối cảnh tiện ích tại phân khu The Sea Class.

Chủ đầu tư dự án The Sea Class - Charm Resort Hồ Tràm là Công ty Cổ phần Thiên Bình Minh (thành viên của Charm Group). Đơn vị phát triển dự án Tập đoàn Charm Group.

Công ty Cổ phần Thiên Bình Minh được thành lập ngày 19/04/2001, đặt trụ sở tại đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 24/11, Charm Group tổ chức lễ ký kết hợp tác phân phối chiến lược The Sea Class - Hồ Tràm với các đại lý F1.

Ngày 10/12/2022, dự án Charm Resort Hồ Tràm tổ chức khai trương nhà mẫu tại phân khu The Sea Class.

Các sản phẩm tại phân khu The Sea Class có mức giá bán tham khảo ban đầu trên thị trường từ 65 triệu đồng/m2.