Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra hàng loạt địa phương, tập đoàn lớn trong năm 2023

Theo kế hoạch vừa công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), từ nay tới cuối năm 2023, Thanh tra của bộ này sẽ tiến hành thanh tra việc thực hiện đề tài, đề án, dự án có nguồn kinh phí đầu tư lớn và việc thực hiện đề tài, đề án, dự án chưa được quyết toán hoàn thành (tính đến năm 2021); thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị.

Trong quý II-III/2023, sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với UBND tỉnh Hậu Giang, một số huyện và dự án tại địa phương này.

Thanh tra một số dự án có giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; một số dự án có chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ do HĐND cấp tỉnh thông qua tại Hải Phòng, Hà Nội.

Thanh tra việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá và việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản và công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ của một số tổ chức tại tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Quang, Đắk Nông, Tây Ninh, Phú Yên.

Bộ TN&MT sẽ thanh tra hàng loạt địa phương, tập đoàn lớn trong năm 2023
Bộ TN&MT sẽ thanh tra hàng loạt địa phương, tập đoàn lớn trong năm 2023. Ảnh minh họa

Đặc biệt, cơ quan thanh tra sẽ làm rõ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại một số cơ sở có lưu lượng khí thải, bụi lớn và cơ sở y tế tại TP HCM, Hải Dương, Hà Nam và Bình Dương.

Trong đó, tại tỉnh Hải Dương, sẽ thanh tra tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch (huyện Kinh Môn); Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương (huyện Kinh Môn), Công ty CP nhiệt điện Phả Lại (TP. Chí Linh), Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (huyện Kinh Môn).

Tại tỉnh Hà Nam, thanh tra đối với Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành (huyện Thanh Liêm), Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (huyện Kim Bảng), Công ty CP Xi măng Hoàng Long (huyện Thanh Liêm), Công ty Cổ phần Xi măng Thành Thắng Group (huyện Thanh Liêm), Công ty Cổ phần Vissai Hà Nam (huyện Thanh Liêm).

Tại TP HCM, sẽ thanh tra ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Từ Dũ, Viện Y tế công cộng TP HCM.

Tại Bình Dương, sẽ thanh tra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Thanh tra Bộ TN&MT cũng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ.

Kon Tum: Được hỗ trợ 10 triệu đồng tái định cư nhưng khi phát bị thu lại 8 triệu đồng

Ngày 9/5, ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đắk Glei (Kon Tum), xác nhận đang yêu cầu các cơ quan chuyên môn báo cáo vụ việc UBND xã Mường Hoong giữ lại 568 triệu đồng tiền hỗ trợ tái định cư cho 71 hộ dân tại xã Mường Hoong.

Cụ thể, 71 hộ dân tại thôn Đắk Bối (xã Mường Hoong) được UBND huyện Đắk Glei phê duyệt hỗ trợ kinh phí tái định cư tại chỗ với số tiền 10 đồng/hộ để nâng cấp nhà ở hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai.

Thế nhưng, chính quyền địa phương nơi đây giữ lại 8 triệu đồng/hộ, chỉ phát cho mỗi hộ dân 2 triệu đồng.

Trước đó (năm 2019), UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đắk Glei với tổng mức đầu tư 145 tỉ đồng nhằm xây dựng 4 điểm tái định cư tập trung và 2 điểm tái định cư tại chỗ. Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện được giao làm chủ đầu tư.

Riêng đối với 2 điểm tái định cư tại chỗ, hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai, nguy cơ ngập lụt, sạt lở được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để nâng cấp nhà ở hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai.

71 hộ dân thôn Đắk Bối, xã Mường Hoong bị thu lại 568 triệu đồng. Ảnh: PLO.vn
71 hộ dân thôn Đắk Bối, xã Mường Hoong bị thu lại 568 triệu đồng. Ảnh: PLO.vn

Tại thôn Đắk Bối (xã Mường Hoong), có 71 hộ dân được huyện Đắk Glei phê duyệt hỗ trợ kinh phí tái định cư tại chỗ. Sau đó, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện phối hợp với UBND xã Mường Hoong phát tiền cho các hộ dân với tổng số tiền 710 triệu đồng

Thế nhưng, sau khi người dân nhận tiền hỗ trợ, ông A Ai (Công an viên của thôn, nay là Bí thư Chi bộ) đã thu lại của mỗi hộ dân 8 triệu đồng (tổng số tiền là 568 triệu đồng) nộp lại cho UBND xã Mường Hoong.

Cụ thể, trong 8 triệu đồng này được chia ra: 7 triệu đồng để nhờ xã trả tiền san ủi mặt bằng khu tái định cư tập trung và một triệu đồng hỗ trợ tiền cây cối cho các hộ dân hiến đất.

Thực tế, người dân chỉ được nhận 2 triệu đồng, trong khi mục đích hỗ trợ tiền cho người dân sửa sang, nâng cấp nhà ở hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai. Quá trình thực hiện san ủi mặt bằng, UBND xã cũng không tổ chức họp dân để thống nhất ý kiến.

Phát hiện sự việc kỳ lạ này, UBND huyện Đắk Glei đã cho xác minh kiểm tra thực tế, hiện khu tái định cư này vẫn không có người dân đến ở, mà vị trí người dân đang ở cách nơi san ủi khoảng 400 mét.

Việc UBND xã Mường Hoong và đại diện các ban, ngành thôn Đắk Bối thu tiền của người dân để thuê máy san ủi khu tái định cư tập trung khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng và không đúng quy hoạch tổng thể bố trí dân cư.

UBND xã Mường Hoong và Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện không thực hiện việc giám sát việc nâng cấp nhà ở hoặc mua vật dụng phòng chống thiên tai theo quy định.

Từ những sai phạm trên, UBND huyện Đắk Glei yêu cầu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong và Trưởng phòng NN&PTNT kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan; thu hồi và hoàn trả số tiền 568 triệu đồng đã thu của các hộ dân.

Đồng thời, yêu cầu xã Mường Hoong hoàn trả lại hiện trạng ban đầu vị trí đất san ủi để cho các hộ dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng đồng ý đầu tư tuyến đường kết nối Bình Phước và Đồng Nai

Theo công văn 3266/VPCP-CN ngày 9/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải về đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương liên quan sớm triển khai đầu tư các tuyến đường kết nối để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải vùng Đông Nam Bộ và kết nối với vùng Tây Nguyên phục vụ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh trong khu vực.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết tuyến đường có điểm đầu tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đoạn đầu tuyến đi trùng ĐT753 khoảng 15km, đoạn cuối tuyến được nghiên cứu theo 2 hướng tuyến.

Cụ thể, phương án 1 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước đề xuất có hướng tuyến đi qua cầu Mã Đà, sang địa phận tỉnh Đồng Nai, tiếp tục đi theo các tuyến đường địa phương và kết nối với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Tổng chiều dài khoảng 76km, trong đó khoảng 31km đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai.

Bộ Giao thông Vận tải nhận định, phương án này tác động lớn, chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học, không phù hợp với Luật Đa dạng sinh học và các điều ước quốc tế. Mặt khác cũng phù hợp với các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ môi trường và chủ trương của Đảng, Chính phủ.

Phương án 2 do Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu có hướng tuyến kết nối với đường Đồng Phú-Bình Dương (tỉnh Bình Phước đang đầu tư xây dựng) và đường Bắc Tân Uyên-Phú Giáo-Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương đang đầu tư xây dựng), tuyến tiếp tục đi theo 15,5km xây dựng mới để kết nối với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh tại huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 71km.

"Phương án này có hướng tuyến kết nối từ thành phố Đồng Xoài đến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh thuận tiện, chiều dài ngắn, kinh phí đầu tư thấp nhất và tận dụng được các tuyến đường địa phương đã và đang được đầu tư xây dựng và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai," Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.

Thủ tướng đồng ý đầu tư tuyến đường kết nối Bình Phước và Đồng Nai
Thủ tướng đồng ý đầu tư tuyến đường kết nối Bình Phước và Đồng Nai.

Về lựa chọn phương án, theo Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương.

Tuy nhiên, do tính chất kết nối liên vùng, Bộ Giao thông Vận tải đã hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Đồng Nai, Bình Phước nhiều lần kiểm tra thực địa, tổ chức họp bàn về phương án đầu tư với sự tham gia của các Bộ, UNESCO, các địa phương liên quan, trong đó kiến nghị hướng tuyến không đi qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai (không đi qua cầu Mã Đà).

Đề xuất này đã được nhiều Bộ, ngành, UNESCO và các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai cơ bản thống nhất.

Để sớm hình thành tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt chấp thuận phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh không đi qua cầu Mã Đà.

Đồng thời, giao Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bình Phước, Bình Dương cân đối nguồn vốn của địa phương và quyết định đầu tư các tuyến đường trên địa bàn theo thẩm quyền. Ủy ban Nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh để tạo điều kiện kết nối thuận lợi các tỉnh Bình Phước, Bình Dương với cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị, về lâu dài, giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tác động để lựa chọn hướng tuyến chi tiết phương án kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, bao gồm cả phương án qua cầu Mã Đà trong quá trình lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai quy hoạch mạng lưới đồng bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở nghiên cứu, triển khai đầu tư.

HoREA có kiến nghị mới về dự án nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Quốc hội, các bộ ban ngành sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề nghị miễn tiền sử dụng đất, không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà lưu trú công nhân, ký túc xá học sinh, sinh viên, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước, xây dựng lại nhà chung cư.

Theo HoREA, đề nghị trên là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và kế thừa các quy định có hiệu lực, hiệu quả, có tính ổn định của Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014.

HoREA có kiến nghị mới về dự án nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN
HoREA có kiến nghị mới về dự án nhà ở xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo HoREA, Luật Đất đai 2013 quy định cơ chế "giao đất không thu tiền sử dụng đất" đối với trường hợp "tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước", đồng thời quy định cơ chế "miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" đối với trường hợp "sử dụng đất để xây dựng NOXH theo quy định của pháp luật về nhà ở" nhưng chưa bao gồm "dự án nhà ở công vụ", nên chưa đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Nhà ở 2014.

Ngoài ra, điểm bất cập của Luật Nhà ở 2014 là chưa quy định cơ chế "miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" đối với dự án "xây dựng lại nhà chung cư" và Luật Đất đai 2013 cũng chưa quy định cơ chế này để hỗ trợ chủ đầu tư và các chủ sở hữu nhà chung cư thực hiện dự án "xây dựng lại nhà chung cư". Vì thế, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 101/2015/NĐ-CP và Nghị định 69/2021/NĐ-CP quy định "miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" đối với dự án "xây dựng lại nhà chung cư", nhưng do vướng 2 luật trên nên các Nghị định này không thực thi được.

Hiện nay, cơ chế "miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất" đối với dự án "xây dựng lại nhà chung cư" đã được bổ sung vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhưng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa bổ sung cơ chế này nên chưa đồng bộ, thống nhất.