Cụ thể, ngày 1/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ; ngày 2/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức lễ rước Nước, tế Cá.

Ngày 4/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) từ 22h15 đến 22h40 thực hiện nghi lễ dâng hương; từ 22h40 đến 23h10 tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; từ 23h15 thực hiện nghi lễ Khai ấn.

Ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng Giêng) từ 2h thực hiện lễ hồi Kiệu ấn, từ 5h tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 4 điểm gồm 3 nhà Giải Vũ và Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.

Ngày 6/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế, lễ tiết Thượng nguyên, tế tiên tổ Vương triều Trần và thực hiện lễ dâng chúc văn hoàn cung.

Ngoài ra, trong các ngày diễn ra Lễ hội Khai ấn, tại khu vực đền Trần tổ chức các hoạt động hội truyền thống gồm: múa lân, rồng, hát chèo, chầu văn, múa rối nước, chọi gà, đấu vật, biểu diễn võ thuật…

Như vậy, năm nay lễ hội được khôi phục tổ chức cơ bản đầy đủ nhất các hoạt động lễ hội truyền thống.

Các nội dung chính của lễ hội (kéo dài từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) vẫn được giữ nguyên như truyền thống, với ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân Vương triều Trần-vương triều đã có công lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ 13, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.

Ngoài nghi lễ Khai ấn (do cộng đồng địa phương thực hiện vào đêm ngày 14 tháng Giêng, phát ấn từ 5h sáng hôm sau), trong khuôn khổ lễ hội lớn này, du khách, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của Vương triều Trần, được nhân dân địa phương tái hiện qua nghi lễ rước Nước và tế Cá.

Thời gian và chi tiết các hoạt động tại Lễ hội khai ấn đền Trần 2023
Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần "Tích phúc vô cương"... Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô

Ngoài ra, còn được xem nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ (tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần, nằm gần chùa) với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái yết tổ tiên, dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; đồng thời mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu...

Trong khuôn khổ lễ hội còn có nghi lễ dâng hương do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Nam Định tổ chức vào 21h đêm 14 tháng Giêng (trước thời điểm diễn ra nghi lễ Khai ấn)…

Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định được tổ chức vào dịp đầu xuân nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều nhà Trần đã có công dựng nước khai sông, lấn biển mở mang bờ cõi với hào khí Đông A sáng ngời, ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông.

Đây là lễ hội thu hút rất đông nhân dân, nhất là sau 03 năm không tổ chức. Năm nay, lễ hội dự kiến sẽ có lượng khách đông hơn rất nhiều mọi năm vì vậy, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, UBND thành phố Nam Định khuyến cáo nhân dân, du khách khi về tham dự lễ khai ấn và đi lễ đầu năm tại Đền Trần cần đeo khẩu trang, thực hiện đúng các quy định của ban tổ chức lễ hội.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định, Trưởng BTC Lễ hội Khai Ấn Đền Trần Nam Định 2023 cũng cho biết thêm: Sau 3 năm không tổ chức, Lễ Khai Ấn năm nay diễn ra vào thứ 7 nên BTC dự báo sẽ có lượng khách rất đông. Vì thế, nhiều phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ đã được đặt ra. Theo đó, sẽ có 4 điểm phát ấn, được tổ chức khoa học đảm bảo cho nhân dân vào, ra nhận Ấn. Lượng Ấn cũng đảm bảo cho du khách tham gia xin lộc đầu Xuân.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Như, lực lượng an ninh trật tự, công an đã tập dượt, triển khai các phương án đảm bảo an ninh lễ hội. Sẽ có 5 vòng an ninh được thực hiện trong lễ Khai Ấn nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nhân dân, du khách thập phương dự lễ hội đầu Xuân.