1. Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Hàn thực 3/3

Trong văn hóa dân gian, Tết Hàn thực còn được gọi là Tết Bánh trôi - bánh chay (“hàn thực” có nghĩa là “thức ăn lạnh”), được diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch. Tết Hàn Thực xuất hiện chủ yếu ở Trung Quốc và Việt Nam.

Tết hàn thực được biết đến làmột ngày lễ thường lệ của Việt Nam, trong tiếng Hoa "hàn thực - 寒 食 " nghĩa là "thức ăn lạnh". Mỗi lần đến Tết hàn thực mọi người đều nặn bánh trôi, bánh chay cúng lên tổ tiên vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm.

Theo phong tục Việt Nam, tết Hàn thực với ý nghĩa đánh dấu bước chuyển mình của vạn vật trước khi bước sang mùa hè. Đây là dịp mỗi gia đình tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên, người đã khuất.

Điển tích Tết Hàn thực
Điển tích Tết Hàn thực. Ảnh minh họa

Ngày tết này ở Việt Nam bắt nguồn từ một phong tục của người Trung Quốc được lưu truyền cho đến ngày nay. Nguồn gốc của phong tục này liên quan đến câu chuyện vào đời Xuân Thu giữa vua nước Tần là Tấn Văn Công và hiền sĩ Giới Tử Thôi.

Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài. Về sau, Tấn Văn Công dành lại được ngôi vương, trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình theo vua phò vua là chuyện nên làm, ông cho rằng những việc đó đâu có gì đáng nói.

Vì thế, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng, Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (muốn thúc ép Tử Thôi quay về). Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.

Vua đau lòng, thương xót nên đãlập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn tưởng niệm Giới Tử Thôi.

2. Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực cơ bản thường có: bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả, hương, hoa, trầu cau, nước lọc.

Bánh trôi, bánh chay

Mâm cỗ cúng Tết Hàn thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Theo quan niệm, số lẻ là số mang lại may mắn nên số lượng bát bánh trôi và bánh chay trên mâm thường là 3 hoặc 5, tùy theo từng gia đình.

Xưa kia, bánh trôi bánh chay truyền thống được làm từ bột gạo nếp, đường phên, vừng, đậu xanh. Những viên bánh trôi tròn trịa bọc lấy đường phên, ngoài rắc chút vừng trắng, bày đẹp đẽ trên đĩa.

Bánh trôi, bánh chay. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Bánh trôi, bánh chay. Ảnh minh họa

Ngày nay, ngoài bánh trôi truyền thống màu trắng, nhiều người còn sáng tạo thêm bánh trôi ngũ sắc, dựa theo 5 màu sắc cơ bản của thuyết Ngũ hành (xanh lá - Mộc, đỏ - Hỏa, vàng - Thổ, trắng - Kim, xanh dương - Thủy).

Không chỉ dừng lại ở bánh trôi bánh chay dáng tròn trịa truyền thống, nhiều người cũng dâng cúng cả bánh trôi tạo hình hoa sen, hoa mẫu đơn và các biểu tượng may mắn.

Dù bánh trôi nước được biến tấu nhiều hình dáng và màu sắc khá đa dạng song trong mâm cúng lễ Tết Hàn thực vẫn không thể thiếu được đĩa bánh trôi, bánh chay màu trắng truyền thống.

Mâm ngũ quả

Ngoài bánh trôi, bánh chay, mâm ngũ quả cũng là vật phẩm không thể thiếu trong mâm lễ dâng cúng ngày Tết Hàn thực. Gia chủ nên chọn 5 loại quả có đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng,... đại diện cho ngũ hành để dâng cúng tổ tiên thể hiện tấm lòng của mình, đồng thời mong ước những điều tốt lành trong ngày Tết Hàn thực.

Hoa tươi và trầu cau

Nhiều nơi ở nước ta không ăn Tết Hàn thực và trên thực tế đây cũng là một ngày lễ nhỏ. Tuy vậy, trên mâm lễ cúng dù to dù nhỏ, dù chay dù mặn vẫn không thể thiếu được hoa tươi và trầu cau.

Gia chủ nên chọn hoa thật tươi, thông thường nên chọn hoa cúc, bởi loại hoa này thể hiện được sự trang nghiêm và mang ý nghĩa cầu mong tài lộc, may mắn. Tùy thuộc vào điều kiện gia đình, gia chủ có thể chọn thêm các loại hoa khác như hoa huệ trắng, hoa đồng tiền,.... Bên cạnh đó, thêm đĩa bày ba hoặc năm lá trầu và cau theo số lẻ như vậy.

Ly nước sạch

Lễ cúng Tết Hàn thực cũng cần có ly nước sạch thanh tịnh. Theo quan niệm dân gian, ly nước sạch đại diện cho sự tinh khiết, cho chân tâm thành kính của gia chủ. Kể cả không phải ngày lễ thì ly nước sạch trên bàn thờ vẫn nên được thay thường xuyên.

Ngoài những lễ vật trên, mâm cúng có thể chuẩn bị thêm một ít tiền vàng (tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình).

3. Những điều kiêng kị trong ngày Tết Hàn thực

Kiêng đồ ăn mặn

Trong ngày tết Hàn thực, các gia đình thường ăn chay, kiêng ăn mặn để tránh sát sinh. Tục lệ này cũng liên quan đến tiết Thanh minh và mang ý nghĩa mong cầu cho linh hồn người đã khuất dễ dàng siêu thoát.

Nếu không có điều kiện để ăn chay thì vào ngày này, gia chủ cũng cần kiêng sát sinh trong nhà để thể hiện sự tôn kính với người đã khuất.

Kiêng lửa

Theo nghĩa chữ Hán, “hàn” là lạnh, “thực” là ăn. Tết Hàn thực là ngày Tết ăn đồ lạnh. Do đó, vào ngày này, người dân Trung Quốc thường kiêng lửa, kiêng nấu nướng mà chỉ dùng những đồ ăn nguội.

Tại Việt Nam, việc kiêng lửa vào ngày tết Hàn thực được tượng trưng bằng việc ăn món nguội là bánh trôi và bánh chay. (Ảnh minh họa: Pexels).
Tại Việt Nam, việc kiêng lửa vào ngày tết Hàn thực được tượng trưng bằng việc ăn món nguội là bánh trôi và bánh chay. Ảnh minh họa: Pexels

Tuy nhiên ở Việt Nam, hoạt động nấu nướng vẫn diễn ra bình thường vào tết Hàn thực. Việc kiêng lửa được tượng trưng bằng việc ăn món nguội là bánh trôi và bánh chay.

Kiêng việc bày vẽ mâm cao cỗ đầy

Vào ngày tết Hàn thực, gia chủ tuyệt đối không bày vẽ mâm cỗ cúng cầu kỳ hay đắt đỏ gây tốn kém, lãng phí.

TS Nguyễn Ánh Hồng khuyến cáo, mâm cúng ngày tết Hàn thực chỉ cần bánh trôi, bánh chay đơn giản. Gia chủ nên thành tâm khi dâng mâm cúng của mình lên tổ tiên để nguyện cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình.

Kiêng chuyển nhà

Ngày tết Hàn thực, gia chủ cũng cần kiêng chuyển nhà. Bởi, theo quan niệm của người xưa, người thân sau khi qua đời vẫn luôn ở lại nơi mà trước khi mất họ từng ở và hiện hữu bên những người thân yêu.

Việc di chuyển nhà cửa vào ngày này có thể sẽ gây ảnh hưởng đến vong linh người đã khuất.