Văn hoá là nền tảng của sự phát triển bền vững

Tại phiên họp lần thứ 66 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thừa nhận văn hoá là một thành phần thiết yếu để phát triển con người; đồng thời cũng là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự hoà nhập xã hội, xoá đói giảm nghèo và quá trình phát triển kinh tế. Một quốc gia có nền văn hoá phát triển đồng nghĩa với việc người dân quốc gia này có năng lực sáng tạo cao và có khả năng thúc đẩy các quá trình hiện đại hoá, cải cách kinh tế, cải thiện đời sống xã hội.

Nhiều quốc gia Bắc Âu xác định văn hoá là động lực phát triển bền vững
Thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) là “nôi” của nhiều bảo tàng nổi tiếng. Ảnh: Getty

Văn hoá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng biểu đạt, khả năng học hỏi, sự tự tin, lòng tự trọng, niềm tự hào dân tộc và nâng cao nhận thức về việc gìn giữ, bảo vệ bản sắc dân tộc. Đặt biệt trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay đang thách thức tất cả các quốc gia trên thế giới trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy nền văn hoá của đất nước. Cùng với sự tiếp cận và khả năng lan toả nhanh chóng trên Internet và mạng xã hội, các nền văn hoá có sự chia sẻ, pha trộn lẫn nhau.

Bối cảnh nêu trên đem đến cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi các chính phủ phải xây dựng những chiến lược hiệu quả về bảo tồn và phát triển văn hoá, nghệ thuật để vừa đảm bảo tôn trọng tính nguyên bản, đặc trưng của nền văn hoá bản địa, vừa khuyến khích sự đa dạng, sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng.

Là một trong các quốc gia Bắc Âu, Đan Mạch xác định rõ quan điểm văn hoá, nghệ thuật góp phần phản ánh và phê bình hiện thực đời sống đồng thời là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự phát triển trong xã hội hiện đại. Từ đó, Chính phủ đã đề ra một chiến lược mới cho sự tương tác giữa văn hoá và phát triển.

Cụ thể, vào tháng 5/2012, Quốc hội Đan Mạch thông qua Chiến lược về hợp tác phát triển “Quyền cho một cuộc sống tốt đẹp hơn”. Mục tiêu của chiến lược này là góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng xã hội dân chủ, hoà bình bằng cách thúc đẩy nhận thức về quyền tham dự về văn hoá và tự do ngôn luận phù hợp với Tuyên ngôn nhân quyền, Công ước về nhân quyền của Liên Hợp Quốc hay Công ước về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng văn hoá. Chiến lược cũng nhấn mạnh việc giáo dục và đào tạo các lĩnh vực khác nhau liên quan đến văn hoá và nghệ thuật.

Theo đó, nội dung hỗ trợ của đất nước này về văn hoá chú trọng vào những điểm sau: Nâng cao vị thế con người thông qua việc tham gia tích cực vào các hoạt động văn hoá nghệ thuật; Đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho các diễn viên, nghệ sĩ; Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế thông qua các ngành công nghiệp sáng tạo; Tăng cường hoà bình và hoà giải giữa các khu vực xảy ra xung đột qua các hoạt động nghệ thuật văn hoá; Đẩy mạnh các cuộc đối thoại và hợp tác giữa các nền văn hoá.

Điểm nhấn của Chiến lược về hợp tác phát triển “Quyền cho một cuộc sống tốt đẹp hơn” là đề cao sự tương tác giữa các nền văn hoá và hợp tác phát triển. Ví dụ điển hình là quá trình hợp tác văn hoá giữa Đan Mạch và Việt Nam đã thực sự đem đến nhiều kết quả tích cực trên nhiều khía cạnh xã hội.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đan Mạch, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thái tử và Công nương Đan Mạch từ ngày 31/10 đến 3/11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch (VHTT&DL)Tạ Quang Đông đã khẳng định: “Trong hơn 50 năm qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam và Đan Mạch đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, trong đó văn hóa đóng vai trò cầu nối quan trọng trong phát triển quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai nước”.

Nhiều quốc gia Bắc Âu xác định văn hoá là động lực phát triển bền vững
Văn hoá, nghệ thuật được xem là một trong những động lực phát triển bền vững ở khu vực Bắc Âu

Theo đó, sự hỗ trợ và đóng góp tích cực của phía Đan Mạch thông qua các chương trình viện trợ, các dự án đối thoại chính sách đã góp phần không nhỏ giúp Việt Nam xây dựng và triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam trong việc đưa văn hóa sáng tạo vào trung tâm của phát triển bền vững.

Cam kết mạnh mẽ của các quốc gia Bắc Âu

Đồng quan điểm với chính phủ Đan Mạch, các quốc gia Bắc Âu từ lâu đã thừa nhận văn hoá là yếu tố chính của sự phát triển, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác đa bên trong việc chung tay, hỗ trợ lẫn nhau về phát triển văn hoá, nghệ thuật nhằm phát triển con người.

Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu đã thông qua Chương trình Hợp tác về Chính sách Văn hóa cho giai đoạn 2021-2024, trong đó mục tiêu quan trọng đặt ra là khu vực Bắc Âu sẽ trở thành khu vực hội nhập và bền vững nhất thế giới vào năm 2030. Trong tâm của chương trình này là lấy văn hoá làm cốt lõi trong tất cả các kế hoạch, chiến lược về phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.

Ngày 3/11/2021, các Bộ trưởng Văn hóa Bắc Âu đã một lần nữa khẳng định quan điểm này thông qua Tuyên bố về việc nhận định văn hóa, nghệ thuật là giá trị nội tại không thể chuyển nhượng, vì vậy cần phải tăng cường các điều kiện liên quan đến phát triển văn hóa, nghệ thuật, nâng cao khả năng tiếp cận văn hoá, nghệ thuật của tất cả mọi người trong xã hội.

Các Bộ trưởng cũng nhận định, hợp tác văn hoá góp phần giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Sự hợp tác văn hoá giữa các bên góp phần đưa ra những giải pháp đảm bảo việc tiếp cận văn hoá, nghệ thuật của các thế hệ hiện tại và thế hệ tương lai. Bên cạnh đó, văn hoá và nghệ thuật cũng là “cầu nối” giúp các đất nước “bắt tay” với nhau đối mặt và giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu, ví như cuộc khủng hoảng khí hậu hay đại dịch COVID-19.

Việc xây dựng đời sống văn hoá và nghệ thuật bền vững rất quan trọng trong xã hội Bắc Âu, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Bởi vậy, các Bộ trưởng Văn hóa Bắc Âu đã củng cố thêm các cam kết của mình vào năm 2021 như sau: Thúc đẩy đời sống văn hóa và nghệ thuật sôi động và toàn diện, dễ tiếp cận với tất cả mọi người, đồng thời cũng đảm bảo chất lượng, sự đổi mới và tự do nghệ thuật và văn hóa, tự do ngôn luận.

Mặt khác, các quốc gia cũng khuyến khích các sáng kiến mới nhằm cải thiện các chính sách về quản lý văn hoá, nghệ thuật hướng tới sự bền vững hơn, phù hợp với các công ước quốc tế. Việc thúc đẩy phát triển “xanh” các ngành công nghiệp sáng tạo và quá trình chuyển đổi số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường vai trò của phát triển văn hoá, nghệ thuật trong xã hội. Đặc biệt, các quốc gia Bắc Âu cũng chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế về văn hoá và nghệ thuật, thông qua đó tiến hành những đối thoại tích cực nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu phức tạp hơn.

Nhiều quốc gia Bắc Âu xác định văn hoá là động lực phát triển bền vững
Trẻ em Thuỵ Điển được tiếp cận nghệ thuật, văn hoá đất nước từ nhỏ.

Vào cuối tháng 11/2022, tại Hội nghị thượng đỉnh về chính sách văn hoá tại Oslo (Na Uy), các quốc gia Bắc Âu tiếp tục thảo luận về những thách thức, yêu cầu và cơ hội trong phát triển văn hoá, nghệ thuật trong khu vực, nhằm đạt được tầm nhìn của của Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu về một khu vực Bắc Âu bền vững nhất thế giới về mặt xã hội vào năm 2030. Các quốc gia Bắc Âu cũng đã thành lập Quỹ Văn hoá Bắc Âu để thúc đẩy các cam kết và hành động của các chính phủ trong việc thúc đẩy một nền văn hoá, nghệ thuật tự do, dân chủ, sáng tạo.

“Cùng nhau hợp tác về văn hóa trên sự thấu hiểu và tôn trọng ngôn ngữ, văn hoá của nhau là nền tảng của liên minh các quốc gia Bắc Âu. Chúng tôi có tầm nhìn về năm 2030, khu vực Bắc Âu sẽ trở thành khu vực hội nhập và bền vững nhất trên thế giới. Văn hoá đóng vai trò rất quan trọng để đạt được mục tiêu này, ví dụ điển hình là những nỗ lực của các quốc gia trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức và hiểu biết của trẻ em, thanh thiếu niên về các ngôn ngữ và nền văn hoá láng giềng, từ đó thúc đẩy lối sống bền vững, hoà nhập, đoàn kết trong toàn bộ khu vực Bắc Âu”, Tổng thư ký của Hội đồng Bộ trưởng Bắc Âu Paula Lehtomäki khẳng định.