Nhiều dự án 'quên' xây, Nha Trang thiếu trầm trọng nhà ở xã hội
Trong giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa dự kiến hoàn thành hơn 4.800 căn NƠXH nhưng so với nhu cầu dự báo thì con số này còn rất thấp.

Nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới không bố trí dành 20% diện tích đất ở để làm NƠXH

Cụ thể, chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2030 đã dự báo về nhu cầu NƠXH đến năm 2025 tăng 44.461 căn và đến năm 2030 tăng thêm 46.066 căn.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 2 dự án NƠXH có số lượng hơn 4.400 căn hộ gồm dự án NƠXH Hưng Phú II (khoảng 1.220 căn) và dự án khu NƠXH phường Cam Nghĩa (khoảng 3.180 căn).

Ngoài ra, có 2 dự án đang triển khai xây dựng với số lượng hơn 400 căn là dự án NƠXH 2 ở Khu đô thị mới Phước Long (TP Nha Trang) và dự án NƠXH Cam Ranh (TP Cam Ranh). Tính đến cuối tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 19 dự án NƠXH, trong đó 15 dự án đã hoàn thành, còn lại đang thực hiện.

Trước ngày 31/12/2020, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành 16 dự án NƠXH với quy mô gần 3.700 căn hộ. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hoàn thành 3 dự án NƠXH với quy mô gần 3.000 căn hộ.

Theo Kiểm toán nhà nước, đến hết năm 2020, tỉnh Khánh Hòa chỉ xây dựng được hơn 271.500m2 NƠXH cho các đối tượng chính sách, chỉ tương đương 45% chỉ tiêu ban đầu của kế hoạch phát triển NƠXH của tỉnh trong giai đoạn kiểm toán (600.000m2). Thế nhưng, có nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới không bố trí dành 20% diện tích đất ở để làm NƠXH, hoặc bố trí không đủ 20% diện tích đất làm NƠXH.

Như vậy, trong giai đoạn 2022 - 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa dự kiến hoàn thành hơn 4.800 căn NƠXH. So với nhu cầu dự báo thì con số này còn rất thấp. Theo thống kê, có khoảng 3.000 trường hợp có nhu cầu mua NƠXH tại TP Nha Trang nhưng thực tế chỉ mới đáp ứng 20% nhu cầu. Trong khi đó, hàng loạt dự án khác đang gặp nhiều vướng mắc liên quan thủ tục miễn tiền sử dụng đất, tiến độ đầu tư, định hướng quy hoạch và giải phóng mặt bằng.

Ngoài thực trạng thiếu NƠXH trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua còn xuất hiện tình trạng nhiều dự án chung cư dù đã đưa dân vào ở vẫn chưa có sổ đỏ.

Theo báo Khánh Hòa thông tin, người dân sống ở Chung cư P.H Nha Trang (phường Vĩnh Trường) có đơn gửi đến cơ quan chức năng phản ánh tình trạng đã nhận nhà, đóng tiền đến 95% giá trị căn hộ nhưng vẫn chưa thấy chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại P.H Nha Trang triển khai thủ tục để cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ.

Ông Nguyễn Cao K. (người mua nhà tại Chung cư P.H Nha Trang) đã gửi kiến nghị này lên Hệ thống phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về kinh tế - xã hội tỉnh. Theo ông K., trong hợp đồng mua bán thể hiện cuối quý III/2019, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho người dân nhưng đến quý III/2020, chủ đầu tư mới bàn giao tạm để người mua nhà làm nội thất. Đến tháng 8-2020, ông K. đóng đủ 95% giá trị căn hộ nhưng mãi đến tháng 6-2021, ông mới nhận bàn giao chính thức. Từ đó đến nay, ông K. chưa được chủ đầu tư hướng dẫn các thủ tục đóng 5% còn lại để nhận sổ.

Tại 3 khối chung cư: SSH07, SSH08, SSH09 trong Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I (phường Phước Hải) do Công ty Cổ phần Bất động sản Hà Quang làm chủ đầu tư, mặc dù đã bàn giao nhà, người dân đến ở hơn 2 năm nay nhưng cũng chưa làm các thủ tục để cấp sổ hồng. Tổng số căn hộ ở đây hơn 1.000 căn, đến nay người dân vào ở được hơn 70% và đã đóng đủ 95% giá trị căn hộ. Trong các cuộc họp liên quan, người dân liên tục kiến nghị về việc khẩn trương cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Còn ở Chung cư Napoleon Castle I (tại địa chỉ 25 - 26 Nguyễn Đình Chiểu) được xây dựng trên khu đất rộng gần 3.000m2 với quy mô cao 40 tầng, với 824 căn hộ được hoàn thiện và bàn giao cho người dân từ năm 2019 do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư cũng trong tình trạng tương tự. Đến nay, dự án đã bán gần hết số căn hộ và có khoảng 500 hộ dân đến ở nhưng vẫn chưa được cấp sổ dù cư dân đã nhiều lần kiến nghị lên chủ đầu tư yêu cầu sớm thực hiện các thủ tục cấp sổ hồng.

Giai đoạn 2021 - 2030 cần tới 2.400.000 căn NƠXH

Được biết, Theo Luật Nhà ở hiện hành, NƠXH có 3 hình thức: mua, thuê mua, thuê. Các hình thức này đều có giá thấp hơn so với thị trường để các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về NƠXH.

Chủ đầu tư đa dạng, gồm: doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng. NƠXH tồn tại hơn 10 năm nay và đã bộc lộ nhiều bất cập.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, 15 địa phương trên cả nước có NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước với tổng số 15.841 căn. Trong đó, 12.162 căn đã cho thuê, 1.380 căn đã cho thuê mua (tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Vĩnh Long), 929 căn đã bán và 750 căn còn trống do chưa có đối tượng thuê, thuê mua hoặc do người thuê hết thời hạn thuê trả lại do không còn nhu cầu; 620 căn của TP HCM chưa có báo cáo cụ thể về tình hình thuê, thuê mua quỹ nhà này.

Cá biệt như TP Đà Nẵng có 10.579 căn NƠXH thuộc sở hữu Nhà nước nhưng không có trường hợp nào thuê mua mà chỉ cho thuê. TP Đà Nẵng đã lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bán 846 căn và đã bán được 616 căn.

Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NƠXH, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng chung cư cũ. Theo Bộ Xây dựng, hiện có đã có 20 tỉnh, thành phố công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình gói 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.

Trong đó, có 49 dự án NƠXH với nhu cầu vay là 24.655 tỷ đồng và 3 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay là 1.229 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có một số dự án NƠXH tại các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 83,1/1.095 tỷ đồng. Cụ thể, Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 23,7/95 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46/50 tỷ đồng; Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 13,4/950 tỷ đồng.

Với tỷ lệ đô thị hóa năm 2022 đạt 41,5% và sẽ tăng lên khoảng 50% vào năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Theo Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021 - 2030 vào khoảng 2.400.000 căn.

Như vậy, ngay cả khi đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội được thực thi tối đa, nguồn cung cũng không đủ đáp ứng nhu cầu. Trong khi đó, con số hiện tại cho thấy vẫn rất xa so với mục tiêu của đề án, dù các cấp từ trung ương đến địa phương đều đang rất nỗ lực thực hiện.