Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu hàng rau quả của EU (HS 06, 07, 08, 20, không tính mã HS 080131 và 080132) trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 28,7 triệu tấn, trị giá 39,5 tỷ Eur (tương đương 39,9 tỷ USD), giảm 2,5% về lượng, nhưng tăng 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; giá nhập khẩu bình quân đạt 1.378 Euro/tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá hàng rau quả nhập khẩu bình quân của EU tăng là do những tác động bởi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina khiến chi phí năng lượng tăng cao, dẫn tới chi phí sản xuất như điện, vận chuyển, làm mát và sưởi ấm, cũng như phân bón và các nguyên liệu đầu khác đối với hàng rau quả tăng nhanh tại các thị trường cung cấp.

EU nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ các thị trường nội khối trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Hà Lan và Tây Ban Nha những thị trường cung cấp hàng rau quả lớn nhất trong khối EU; tiếp theo là Đức, Pháp, Bỉ, I-ta-li-a và Ba Lan. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ các thị trường chính đang có xu hướng giảm và EU đang có xu hướng tăng nhập khẩu hàng rau quả từ các thị trường ngoài khối như Thổ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc…

Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 43 cho EU, trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 24 nghìn tấn, trị giá 62,5 triệu Euro (tương đương 63,2 triệu USD), tăng 7,6% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu bình quân từ Việt Nam ở mức cao, đạt 2.625,5 Euro/tấn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu rau quả vào thị trường EU
Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn thứ 43 cho EU, sản lượng mới chỉ chiếm gần 0,1% trong tổng lượng hàng rau quả nhập khẩu của EU trong 4 tháng đầu năm 2022.

EU với số lượng 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người và có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn đối với hàng rau quả. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm gần 0,1% tổng lượng hàng rau quả nhập khẩu của EU trong 4 tháng đầu năm 2022, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới. Tuy nhiên, thị trường EU đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu, nắm bắt rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm…

EU nhập khẩu nhiều nhất là chủng loại rau và một số loại củ, thân củ, rễ ăn được (HS 07); quả và quả hạch ăn được, vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa (HS 08) trong 4 tháng đầu năm 2022. Cả 2 chủng loại này EU nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu, trong đó mã HS 07 chiếm 0,02% và mã HS 08 chiếm 0,11%. Trong khi đó, mã HS 08 có nhiều chủng loại quả mà Việt Nam đang có thế mạnh vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…

Với Hiệp định EVFTA, các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, đặc biệt với mức cam kết thuế quan được xoá bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cho các chủng loại hàng rau quả của Việt Nam trong việc cạnh tranh với các thị trường có thế mạnh về hàng rau quả nhưng chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và Indonexia... Cần chú ý, đối với các chế phẩm từ rau, quả, quả hạch hoặc các sản phẩm khác của cây (HS 20), EU tăng cả về lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam, tuy nhiên tỷ trọng chỉ chiếm 0,17% tổng lượng mã HS 20 EU nhập khẩu.