Ngân hàng thương mại là gì?

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định nhằm mục tiêu lợi nhuận.

Cụ thể: Ngân hàng thương mại là ngân hàng kinh doanh tiền tệ vì mục đích lợi nhuận. Ngân hàng thương mại hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi của khách hàng để cấp tín dụng và thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán. Với tư cách là tổ chức kinh doanh, hoạt động của ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở chế độ hạch toán kinh tế, nhằm mục tiêu lợi nhuận. Ngân hàng thương mại được pháp luật cho phép thực hiện rộng rãi các loại nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng, như: nhận tiền gửi có kì hạn, không kì hạn; thực hiện nghiệp vụ chiết khấu; dịch vụ thanh toán; huy động vốn bằng cách phát hành chứng chỉ nhận nợ. Quy định về hoạt động của ngân hàng thương mại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Quy định về hoạt động của ngân hàng thương mại

1. Hình thức tổ chức của ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại được tổ chức dưới 02 hình thức theo khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 bao gồm:

- Ngân hàng thương mại trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần.

- Ngân hàng thương mại nhà nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

2. 10 nhóm hoạt động của ngân hàng thương mại

10 nhóm hoạt động của ngân hàng thương mại được quy định tại Mục 2 Chương IV Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi 2017) như sau:

1. Hoạt động ngân hàng của ngân hàng thương mại

- Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác.

- Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn trong nước và nước ngoài.

- Cấp tín dụng dưới các hình thức sau đây:

+ Cho vay;

+ Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác;

+ Bảo lãnh ngân hàng;

+ Phát hành thẻ tín dụng;

+ Bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế đối với các ngân hàng được phép thực hiện thanh toán quốc tế;

+ Các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

- Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

- Cung ứng các phương tiện thanh toán.

- Cung ứng các dịch vụ thanh toán sau đây:

+ Thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước bao gồm séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ;

+ Thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

2. Vay vốn của Ngân hàng nhà nước

Ngân hàng thương mại được vay vốn của Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính

Ngân hàng thương mại được vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.

4. Mở tài khoản

- Ngân hàng thương mại phải mở tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và duy trì trên tài khoản tiền gửi này số dư bình quân không thấp hơn mức dự trữ bắt buộc.

- Ngân hàng thương mại được mở tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng khác.

- Ngân hàng thương mại được mở tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

5. Tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán

- Ngân hàng thương mại được tổ chức thanh toán nội bộ, tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia.

- Ngân hàng thương mại được tham gia hệ thống thanh toán quốc tế sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

6. Góp vốn, mua cổ phần

(1) Ngân hàng thương mại chỉ được dùng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định tại (2), (3), (4) và (6) mục này.

(2) Ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh sau đây:

- Bảo lãnh phát hành chứng khoán, môi giới chứng khoán; quản lý, phân phối chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán; quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và mua, bán cổ phiếu;

- Cho thuê tài chính;

- Bảo hiểm.

(3) Ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.

(4) Ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

- Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng;

- Lĩnh vực khác không thuộc lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, kinh doanh ngoại hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.

(5) Việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết theo quy định tại (2) và (3) và việc góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại tại các lĩnh vực khác ở mục (4) phải được sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận.

Điều kiện, thủ tục và trình tự thành lập công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.

(6) Ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại được mua, nắm giữ cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác với điều kiện và trong giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng thương mại là gì? Quy định và các loại ngân hàng thương mại

7. Tham gia thị trường tiền tệ

Ngân hàng thương mại được tham gia đấu thầu tín phiếu Kho bạc, mua, bán công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ.

8. Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối và sản phẩm phái sinh

- Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, ngân hàng thương mại được kinh doanh, cung ứng dịch vụ cho khách hàng ở trong nước và nước ngoài các sản phẩm sau đây:

+ Ngoại hối;

+ Phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác.

- Ngân hàng Nhà nước quy định về phạm vi kinh doanh ngoại hối; điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận việc kinh doanh ngoại hối; kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại.

- Việc cung ứng dịch vụ ngoại hối của ngân hàng thương mại cho khách hàng thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

9. Nghiệp vụ ủy thác và đại lý

Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

10. Các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại

- Dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý, bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn.

- Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư.

- Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

- Dịch vụ môi giới tiền tệ.

- Lưu ký chứng khoán, kinh doanh vàng và các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hoạt động ngân hàng sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Ngân hàng thương mại là gì? Quy định và các loại ngân hàng thương mại

3. Phân loại ngân hàng thương mại

Phân loại ngân hàng thương mại dựa vào hình thức sở hữu

Dựa vào hình thức sở hữu, các Ngân hàng thương mại được chia ra thành các loại gồm: ngân hàng thương mại quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng tư nhân.

  • Ngân hàng thương mại quốc doanh: là ngân hàng được thành lập từ vốn thuộc Ngân sách Nhà nước, là trụ cột của nền kinh tế. Ở Việt Nam, ban đầu những ngân hàng này là những ngân hàng chuyên doanh, đến năm 1992 thì đổi tên và trở thành ngân hàng kinh doanh đa năng. Ví dụ: Ngân hàng TMCP VietinBank.
  • Ngân hàng thương mại cổ phẩn (TMCP): là ngân hàng được thành lập từ vốn góp của các cổ đông, kinh doanh đa năng. Hệ thống ngân hàng TMCP bao gồm hai loại: ngân hàng TMCP đô thị và ngân hàng TMCP nông thôn. Hiện nay, tất cả các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam đều là ngân hàng TMCP và được thực hiện đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh của ngân hàng. Ví dụ: ngân hàng TMCP SeaBank, Ngân hàng TMCP ACB, ngân hàng TMCP SacomBank, ngân hàng TMCP Techcombank
  • Ngân hàng liên doanh: là ngân hàng do các bên liên doanh góp vốn, tỷ lệ đóng góp của các đối tác nước ngoài không quá 50% vốn điều lệ. Ví dụ: Ngân hàng liên doanh ShinhanVina, Ngân hàng liên doanh Indovina, Ngân hàng liên doanh Viet Lao, Ngân hàng liên doanh Viet Nga
  • Ngân hàng 100% vốn nước ngoài: là ngân hàng được thành lập theo pháp luật Việt Nam do chủ sở hữu nước ngoài cấp 100% vốn; được quyền cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng cho thị trường Việt Nam; thời gian hoạt động không vượt quá 99 năm. Ví dụ: ngân hàng ANZ Việt Nam, Ngân hàng HSBC Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam…
  • Ngân hàng tư nhân: Do cá nhân thành lập bằng vốn của cá nhân đó. Loại hình ngân hàng này thường nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp; thường có mối quan hệ tốt với khách hàng. Tuy nhiên, loại hình ngân hàng tư nhân theo cách tiếp cận này chưa xuất hiện tại Việt Nam.

Phân loại ngân hàng thương mại dựa vào chiến lược kinh doanh.

  • Dựa vào chiến lược kinh doanh các Ngân hàng thương mại được chia ra thành: ngân hàng thương mại bán buôn, ngân hàng thương mại bán lẻ, ngân hàng thương mại vừa bán buôn vừa bán lẻ.

  • Ngân hàng thương mại bán buôn: là Ngân hàng thương mại tập trung nhắm đến đối tượng khách hàng là các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các xí nghiệp lớn. Danh mục sản phẩm ngân hàng loại này cung cấp cho khách hàng thường không đa dạng tuy nhiên giá trị của từng giao dịch thường là rất lớn.
  • Ngân hàng thương mại bán lẻ: là ngân hàng tập trung khai thác nhóm đối tượng khách hàng là cá nhân hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng loại này thường chú trọng đến việc đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng được các nhu cầu của nhiều khách hàng. Tuy giá trị của từng sản phẩm không lớn nhưng bù lại là một lực lượng khách hàng rất lớn. Hoạt động của ngân hàng này chủ yếu là huy động vốn từ mọi thành phần kinh tế, và cho vay để giải quyết vấn đề tiêu dùng hoặc các dự án sản xuất với quy mô nhỏ và vừa.
  • Ngân hàng thương mại vừa bán buôn, vừa bán lẻ: Là ngân hàng thực hiện song song cả hai hoạt động bán buôn và bán lẻ. Ngân hàng này nhắm vào tất cả các dạng khách hàng từ cá nhân, các hộ gia đình, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tổng công ty, các tập đoàn lớn. Ví dụ: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (Seabank).