Sáng nay ngày 8/2, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ diễn ra Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều bộ, ngành và doanh nghiệp, trong đó có hai đơn vị quan trọng là NHNN và Bộ Xây dựng.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết thời gian qua có một số báo cáo của các hiệp hội, đơn vị cho rằng NHNN siết chặt tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, Phó thống đốc khẳng định đến nay chưa có văn bản nào, phát ngôn nào nói rằng NHNN siết chặt tín dụng với lĩnh vực bất động sản.

“Có chăng chỉ là kiểm soát chặt chẽ những rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực, phân khúc có độ rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản, như đầu cơ, doanh nghiệp kinh doanh mang tính đầu cơ, kinh doanh phân khúc hạng cao cấp, giá trị lớn, có tính chất thị trường bong bóng, đóng băng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới hệ thống”, Phó thống đốc chia sẻ.

Theo lãnh đạo NHNN, những vấn đề này cơ quan quản lý cần phải kiểm soát vì tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới mỗi tổ chức tín dụng trong hệ thống và an toàn tài chính quốc gia.

Ông Tú cũng khẳng định với nhu cầu tín dụng của người dân trong việc mua nhà tự sử dụng, mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn được ngân hàng xem xét bình đẳng như các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Người lao động
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Người lao động

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, cho biết năm 2022 thị trường bất động sản có nhiều biến động với sự tăng trưởng nóng vào nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên cuối năm do dư thừa một số sản phẩm không hợp lý, trong khi thiếu nhà ở xã hội, nguồn vốn doanh nghiệp thiếu song việc huy động vốn qua thị trường chứng khoán và trái phiếu gặp nhiều khó khăn, một số dự án bị vướng thủ tục pháp lý.

Bà Giang cho biết, NHNN đã dành khoảng 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay ưu đãi mua nhà, các chương trình cho vay nhà ở tại Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người có thu nhập thấp có thể sở hữu nhà. Bên cạnh việc NHNN phối hợp với các bộ ngành tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản.

“Trước khi xảy ra đại dịch, tín dụng cho vay bất động sản luôn trên 20%, tín dụng cho bất động sản hai năm 2020-2021 lần lượt là 12,06-15,37%. Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ bất động sản đạt 2,58 triệu tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,81%. Doanh số bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai đạt trên 110.000 tỷ đồng từ năm 2018 đến nay”, bà Giang nói.

Tuy nhiên, 90% dư nợ bất động sản có thời gian từ 10-25 năm, trong khi 80% tiền gửi ngân hàng là ngắn hạn, do đó nếu các ngân hàng không cân đối sẽ mất thanh khoản. Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế khẳng định có hiện tượng khách hàng kê khai gian dối để vay vốn phục vụ nhu cầu đầu cơ bất động sản.

Bám sát chỉ đạo của chính phủ, thời gian tới NHNN sẽ tập trung điều hành tín dụng bất động sản phù hợp, bảo đảm an toàn hệ thống và bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, theo đúng chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

Tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM: Chúng tôi khẳng định NHNN chưa bao giờ có văn bản nào siết tín dụng. Chúng tôi đồng ý và đánh giá rất cao việc NHNN kiểm soát chặt chẽ và hướng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên. Nhưng đề nghị NHNN tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản cả phía chủ đầu tư và người mua nhà.

Theo ông Châu, cái khó nhất của thị trường hiện nay là cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Doanh nghiệp bất động sản “không sợ” lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại.

“Lãi suất hiện nay chúng tôi chịu được. Chúng tôi không đề nghị giảm phí, không đề nghị giảm lãi suất, người mua nhà phải chịu những khoản này, chúng tôi đưa vào giá bán hết mà”, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM nói.

NHNN khẳng định các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao. Ảnh: Tuổi trẻ
NHNN khẳng định các tổ chức tín dụng vẫn cấp tín dụng cho lĩnh vực bất động sản với mức tăng trưởng cao. Ảnh: Tuổi trẻ

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho rằng việc nhảy nhóm nợ khiến các doanh nghiệp bất động sản không thể vay được tín dụng. Do đó, nếu Ngân hàng nới lỏng đối với nợ nhóm 2-3 mà dự án có khả thi thì nên giải ngân cho doanh nghiệp. Nếu muốn các khoản nợ không nhảy nhóm thì chỉ có cách cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Năm 2022, phân khúc nhà ở cao cấp tại TP HCM chiếm 80%, còn lại 20% là nhà ở trung cấp. Tuy nhiên, 70% tăng trưởng tín dụng bất động sản tại TP HCM là bất động sản tiêu dùng. Ông Lê Hoàng Châu đề nghị NHNN xem xét một gói tín dụng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng. Gói tín dụng 30.000 tỷ là giải quyết được rất nhiều, hơn 46 nghìn người tiếp cận được nhà ở qua gói này. Cái hay của gói tín dụng này là không phân biệt nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại. “Chúng ta giải quyết được đầu ra cho sản phẩm thì tạo được thanh khoản. Các doanh nghiệp hiện nay không có thanh khoản, có doanh nghiệp giảm 50% lương, sa thải 70-80% nhân viên”.