Làm mất hơn 250 ha rừng, chủ dự án 25.000 tỷ đền bù 18,7 tỷ đồng
Dự án hồ Đại Ninh do Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 3.595 ha, tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 25.243 tỷ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, chủ đầu tư được UBND tỉnh cho thuê rừng để triển khai dự án với tổng diện tích hơn 1.050 ha từ 2011. Đến nay doanh nghiệp này đã ký hợp đồng thuê rừng và nộp tiền thuê rừng đến năm 2020.
Vấn đề mất 257 ha rừng trong diện tích dự án theo kiểm kê hiện trạng tại các thời điểm 2011 (mất 117 ha) và 2016 (mất 140 ha), Sài Gòn - Đại Ninh trước đó đã đền bù 6,7 tỷ đồng cho diện tích 140 ha ghi nhận năm 2016.
Riêng phần diện tích 116 ha được xác định trữ lượng gần 3.500 m3, giá trị bồi thường hơn 12,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, Sài Gòn - Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.
Để bồi thường 257 ha rừng bị mất tại dự án, Sài Gòn - Đại Ninh chỉ bồi thường khoảng 18,7 tỷ đồng.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, đến nay doanh nghiệp đã thống nhất với số liệu mất rừng theo kết luận thanh tra số 2094 của UBND tỉnh và đơn vị đã chấp hành nộp đủ số tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Như vậy, với tổng số 257 ha rừng bị mất tại dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh, chủ đầu tư là Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã bồi thường khoảng 18,7 tỷ đồng.
Do đó, việc kiểm kê tài nguyên rừng để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh diện tích rừng được thuê có thể tiến hành song song với việc triển khai thực hiện dự án.
Sở NN&PTNT đề nghị Sài Gòn - Đại Ninh phải cam kết và thống nhất nếu kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trong lần kế tiếp mà bị mất rừng thì phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu được tiếp tục thực hiện dự án, Sài Gòn - Đại Ninh cam kết phải khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm tại dự án: Ký hợp đồng thuê rừng năm 2021 và nộp tiền thuê rừng theo quy định; cam kết trồng rừng, trồng cây xanh trên diện tích đất trống và trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Văn bản số 1976/SNN-KL của Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài ra, đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa giải tỏa thì chủ đầu tư phải lập phương án giải tỏa và báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất và cam kết khôi phục rừng, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định.
Liên quan đến dự án này, mới đây Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cũng đã có văn bản gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Do đó, để dự án sớm tiếp tục được triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho chủ đầu tư được tiếp tục thực hiện việc triển khai dự án.
Quá trình chủ đầu tư thực hiện dự án, Sở Xây dựng sẽ phối hợp với các Sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng tổ chức hướng dẫn và tham mưu UBND tỉnh các kiến nghị, đề xuất của chủ đầu tư có liên quan đến lĩnh vực quy hoạch xây dựng theo quy định.
Theo Sở Xây dựng, hiện dự án đã triển khai đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình, gồm: 6 trạm dừng chân, 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia để phục vụ dự án, 1 hội trường và nhà làm việc (diện tích 560 m2) và đang thi công phần móng cổng chính.