Nhiệm vụ đề ra là chưa đủ
Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Trong đó, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ kinh tế số nói chung và thương mại điện tử nói riêng cho tăng trưởng kinh tế. Đại dịch COVID-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với kinh tế mạnh mẽ hơn. Sự đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống buộc các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa trong các hoạt động quản lý, sản xuất – kinh doanh.

Tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 15/7, TS. Trần Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, ngay trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ cải cách nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Việc định hình tư duy cải cách thể chế kinh tế là một điểm sáng mà chúng ta hầu như rất ít nói tới trong những tháng vừa qua.

Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, phát triển kinh tế số là chủ đề được thảo luận rất nhiều trong thời gian qua trong bối cảnh toàn cầu chứng kiến một loạt xu hướng mới về phát triển thương mại điện tử, hiệp định kinh tế số, ngân hàng số hay đồng tiền số...

Chính phủ đã có nhiều định hướng mới về nhiệm vụ hoàn thiện về cơ sở pháp lý và hạ tầng cho kinh tế số, như Quyết định 749 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về quá trình chuyển đổi số hay Nghị quyết 50.

Trên thực tế, ngay ở vòng lấy ý kiến cuối cùng trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn nhận được những đề xuất bổ sung nhiệm vụ mới có tính chiến lược, cấp thiết, dài hạn về phát triển hạ tầng pháp lý và kỹ thuật cho nền kinh tế.

Kinh tế số được kỳ vọng sẽ là cơ hội để kinh tế đất nước phục hồi nhanh.
Kinh tế số được kỳ vọng sẽ là cơ hội để kinh tế đất nước phục hồi nhanh.

Tuy vậy, ông Dương cho rằng, những nhiệm vụ đề ra là chưa đầy đủ, những nhiệm vụ cần làm rõ vẫn còn rất nhiều. Chẳng hạn, làm thế nào để đo được kinh tế số, kinh tế số gồm những gì? Tiềm năng đóng góp bao nhiêu % vào tăng trưởng GDP. Và ngược lại, giả sử nếu đo lường tính toán được kinh tế số giúp cho GDP tính lại tăng được thêm nữa thì liệu niềm tin và số liệu về GDP của Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không?

"Đây là câu chuyện làm sao tính đúng, tính đủ và khoa học đối với kinh tế số. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn", ông Dương đánh giá.

Ngoài ra, theo ông Dương, câu chuyện cạnh tranh đối với kinh tế số, trong đó điều nổi bật nhất là làm thế nào để mở rộng không gian cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào kinh tế số, cũng cần được lưu tâm.

"Những quy định về fintech, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đến giờ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Sự ứng xử với các tập đoàn công nghệ lớn, chính sách cạnh tranh như thế nào? Câu chuyện nổi bật ở Úc liên quan giữa Facebook và các cơ quan báo chí cũng thể hiện sức mạnh thị trường trong thời kinh tế số. Trong khi Việt Nam mới đang trong quá trình học hỏi chứ chưa có những quy định nào liên quan về vấn đề này", ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, Việt Nam cần chú ý tới câu chuyện bảo đảm an toàn an ninh mạng. Những đánh giá và thống kê của các tổ chức quốc tế cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm cần phải xử lý rất nhiều vấn đề liên quan đến rủi ro an toàn an ninh mạng. Câu chuyện thuế đối với nền tảng số cũng là nội dung cần tính tới. Theo đó, phải hướng tới hài hòa với các thông lệ quốc tế; đồng thời phải tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình, người bán hàng online trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay hay không? Liệu việc đánh thuế đối với bán hàng online có thể triệt tiêu động lực để thực hiện các hoạt động này?

Ngoài ra, nội dung về sở hữu trí tuệ trên nền tảng số, nền tảng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại số cũng rất quan trọng và cần sớm hoàn thiện.

Quan trọng nhất là cải cách thể chế

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Quang Tuấn- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, kinh tế số là mảng mà chúng ta kỳ vọng sẽ là cơ hội để kinh tế đất nước phục hồi nhanh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của kinh tế số hiện nay không phải là công nghệ mà là chính là thể chế, chính sách.

"Chính Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói, 30% của kinh tế số phụ thuộc vào "phần cứng", còn 70% phụ thuộc vào "phần mềm", tức là các thể chế, chính sách. Hiện, vướng mắc chủ yếu là do thể chế chính sách của chúng ta chưa đủ và chưa bắt kịp với yêu cầu của chuyển đổi số. Đây là thách thức rất lớn", ông Bùi Quang Tuấn đánh giá.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc nước ta sử dụng các nền tảng số để quản trị hiện đại, quản trị số là điều đáng khích lệ. Tuy nhiên, những quy định thể chế, chính sách đi kèm là rất quan trọng. Ví dụ, việc thay đổi hệ thống báo cáo từ dưới lên trên, từ địa phương lên TƯ bằng việc chuyển sang nền tảng số, quản trị theo cách hiện đại thì hoàn toàn chúng ta chưa có.

"Đây là khoảng trống mênh mông. Nếu chúng ta bàn đến chủ đề "cải cách thể chế để phục hồi tăng trưởng bền vững" thì đây chính là một trong những nội dung cần phải tập trung rất nhanh. Chuyển đổi số là cơ hội cứu cánh giúp chúng ta hội nhập nhanh thì cải cách thể chế cũng phải rất nhanh để kinh tế số phát huy ngay tác dụng", ông Bùi Quang Tuấn nêu.

Về vấn đề này, TS. Trần Hồng Minh cho rằng, để có thể thể chế hóa được nội dung về kinh tế số cũng như những vấn đề liên quan đến chuyển đổi số chúng ta phải có cách nhìn, cách tiếp cận xuyên suốt. Vấn đề mà nhiều người quan tâm và bình luận hiện nay đo lường kinh tế như thế nào vì quy mô của nền kinh tế số Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào là cực kỳ khác nhau nếu dựa vào nội hàm định nghĩa khác nhau về kinh tế số.

"Nếu bây giờ đặt ra mục tiêu chỉ tiêu như 20 hay 25% mà kinh tế số đóng góp vào GDP trong thời gian tới thì nội hàm của định nghĩa kinh tế số chúng ta dựa vào như thế nào? Đúng là đến thời điểm hiện nay vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ, chứ chưa thực sự theo một quy chuẩn, hay căn cứ pháp lý để dựa vào, để từ đó có thể phát triển kinh tế số một cách đúng hướng. Qua đó, sẽ phát huy được những giá trị và đóng góp từ những hoạt động của kinh tế số trong thời gian sắp tới", Viện trưởng CIEM bình luận.

Theo https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so-dinh-hinh-tu-duy-cai-cach-the-che/20210716115244790