Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) đã chủ động xác lập chuyên án đấu tranh với đối tượng có hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm "sữa bột" giả có quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố và ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, xảy ra tại Công ty Cổ phần sữa Hà Lan, địa chỉ tại trụ sở 335 Trần Cung, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc để điều tra làm rõ về hành vi sản xuất sữa giả.

Khởi tố vụ án sản xuất hàng giả tại Công ty Cổ phần sữa Hà Lan
Khu vực tập kết nguyên liệu sản xuất sữa của CTCP Sữa Hà Lan. Ảnh: An ninh Thủ đô.

Trước đó, vào cuối tháng 8/2022, Tổ công tác Phòng 6 C05 Bộ Công an đã đồng loạt ra quân, tiến hành kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại 4 địa điểm là trụ sở, chi nhánh, kho hàng trực thuộc đối của CTCP Sữa Hà Lan và đã thu mẫu của 67 lô sữa được sản xuất tại nhà máy của doanh nghiệp này.

CTCP Sữa Hà Lan có trụ sở tại 335 Trần Cung, Cầu Giấy, Hà Nội do ông Nguyễn Trung Vương làm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật. Theo cơ quan chức năng, sau khi xây dựng Nhà máy Holland Milk (địa chỉ tại Km39 Quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, Hải Dương), CTCP Sữa Hà Lan đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và được cấp hồ sơ công bố sản phẩm.

Đối chiếu giữa kết quả giám định, kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia thực hiện với hồ sơ công bố chất lượng của doanh nghiệp cho thấy 65/67 lô hàng hóa có chỉ tiêu dưới 70% so với mức công bố hoặc ghi nhãn.

Qua kiểm đếm, tổng số sữa kém chất lượng đã sản xuất là 29.400 lon, giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỷ đồng. Hiện đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ 25.667 hộp sản phẩm phục vụ công tác xử lý; 2.011 hộp đã bán ra thị trường với trị giá khoảng 320 triệu đồng hiện vẫn chưa thu hồi được. Số sữa này chủ yếu được phân phối bán hàng thông qua các tổ chức công đoàn, các hội thảo giới thiệu sản phẩm, qua các trang mạng xã hội...

Theo khai nhận của lãnh đạo nhà máy, nguyên nhân gây ra tình trạng các sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố hoặc ghi nhãn là do khâu sản xuất. Do bản thân là người quyết định lựa chọn nguyên liệu, tự đưa ra công thức phối trộn, thay đổi thành phần, thêm bớt tỷ lệ các loại nguyên liệu so với hồ sơ công bố thông qua các lệnh sản xuất nên ông Vương đã chỉ đạo từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm của Tổng Giám đốc và nhân viên để nhân viên thực hiện theo.

Dù nhận thức rõ việc này làm cho sản phẩm không còn tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là vi phạm pháp luật nhưng vì mục đích nhằm tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nên đối tượng vẫn chỉ đạo thực hiện.

Theo tài liệu điều tra, mặc dù sản xuất sữa nhưng CTCP Sữa Hà Lan không hề lưu mẫu, không có phòng thí nghiệm riêng, không gửi kiểm nghiệm định kỳ… nhưng trong suốt thời gian trước khi bị phát hiện, doanh nghiệp này vẫn đều đặn phân phối sữa ra thị trường, với mạng lưới tiêu thụ ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng để làm rõ vai trò của những người khác liên quan.