Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ TT-TT đã có công văn số 4833/BTTTT-CVT về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.

Hạn chót tắt sóng 2G tại Việt Nam
Tháng 9/2024 là hạn chót tắt sóng 2G tại Việt Nam.

Công nghệ di động thế hệ cũ 2G đã được triển khai tại Việt Nam gần 30 năm. Tuy nhiên, để thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025, cũng như Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó phát triển hạ tầng viễn thông đi trước một bước, trở thành hạ tầng cho kinh tế số, xã hội số, trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp thúc đẩy phổ cập điện thoại di động thông minh tới mỗi người dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch dừng công nghệ di động thế hệ cũ 2G để tối ưu hóa mạng lưới, tiết kiệm chi phí vận hành và dành băng tần cho các công nghệ di động thế hệ mới.

Theo đó, Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai việc dừng công nghệ di động 2G với việc tắt dần các trạm 2G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp.

Mục tiêu hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất vào tháng 9/2024. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động mặt đất và thời điểm hết hạn muộn nhất của giấy phép sử dụng băng tần số 2G để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.

Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp căn cứ vào định hướng để xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G để có thể triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G.

Bên cạnh đó, Bộ giao kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm vùng cung cấp dịch vụ thông tin di động mới sau khi dừng công nghệ 2G thay thế hoàn toàn được vùng cung cấp dịch vụ công nghệ 2G để cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.

Tại văn bản này, Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone, các dòng thiết bị điện tử thông minh. Các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Sóng 2G chủ yếu hoạt động ở dải tần 850, 900, 1.800, 1.900 MHz. Tại Việt Nam, sóng 4G đang phải chia sẻ băng tần 900 MHz, 1.800 MHz với 2G. Đây cũng là lý do ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ của 4G. Nếu được giải phóng, tốc độ mạng của 4G có thể tăng thêm 25% so với hiện tại. Chính vì vậy, trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ có các biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu mỗi người dân một smartphone nhằm thúc đẩy chuyển đổi, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kế hoạch dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình, tăng cường triển khai phủ sóng 4G, triển khai 5G.