Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải tại buổi làm việc về phương án ủy quyền TTHC năm 2024
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải tại buổi làm việc về phương án ủy quyền TTHC năm 2024

Dự tại điểm cầu UBND Thành phố còn có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải; lãnh đạo Văn phòng UBND Thành phố; cùng các phòng, đơn vị liên quan.

Theo Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Cù Ngọc Trang, sau 01 năm triển khai thực hiện Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Phương án ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn Thành phố, toàn Thành phố đã ban hành Quyết định ủy quyền đối với 574/613 TTHC đạt 94% trên số TTHC có phương án và đã tham mưu UBND Thành phố công bố TTHC đối với 574 TTHC được ủy quyền (đạt tỷ lệ 100%), phê duyệt 578 quy trình nội bộ đạt tỷ lệ 100%, (do 04 TTHC có ủy quyền về 2 đơn vị thực hiện). Đối với 39 TTHC chưa ủy quyền do vướng mắc, khó khăn đều đang thực hiện theo quy trình nội bộ TTHC đã được Thành phố ban hành theo quy định.

Việc ủy quyền giải quyết TTHC đã tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC tiết giảm thời gian, chi phí; đồng thời đã giảm tải áp lực công việc cho Sở, ngành, để đơn vị tập chung hơn cho nhiệm vụ tham mưu xây dựng chính sách, quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, việc thực thi phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC đã đem lại hiệu ứng, khí thế tích cực công tác cải cách TTHC nói riêng, cải cách hành chính của Thành phố nói chung. Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phân cấp, ủy quyền trong giải quyết TTHC, công việc.

Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố Cù Ngọc Trang báo cáo tại buổi làm việc

Tuy nhiên, cũng theo Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố, trong quá trình thực hiện các Sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo có một số khó khăn, vướng mắc khi xác định thẩm quyền ủy quyền đối với nhóm TTHC ủy quyền theo phương án đã được UBND Thành phố phê duyệt. Ngoài ra, một số đơn vị báo cáo khó khăn về công tác cán bộ (chưa có cán bộ có chuyên môn phù hợp để thực hiện giải quyết TTHC khi nhận ủy quyền: lĩnh vực giao thông,..); kết nối Hệ thống giải quyết TTHC với các Bộ chủ quản (lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư)…

Trước những khó khăn, vướng mắc khi xác định thẩm quyền ủy quyền TTHC trên, tại buổi làm việc, đại biểu và đại diện lãnh đạo các Sở ngành, quận huyện đã đề xuất, kiến nghị UBND Thành phố về phương án ủy quyền TTHC năm 2024 để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại những lợi tích thiết thực nhất cho người dân được thụ hưởng.

Cụ thể, các đơn vị báo cáo, đề xuất đưa ra khỏi phương án ủy quyền tại Quyết định số 4610/QĐ-UBND ngày 22/11/2022 đối với 39 TTHC chưa thực hiện ủy quyền theo phương án đã được phê duyệt và một số TTHC trong quá trình thực hiện phát sinh khó khăn, vướng mắc cần đưa ra khỏi phương án ủy quyền giải quyết TTHC cho phù hợp thực tiễn…

Một số đơn vị đề xuất sửa đổi, bổ sung và thay thế mới một số TTHC do trong quá trình thực hiện có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cần điều chỉnh cho phù hợp (điều kiện về nguồn lực nhân sự, chuyên môn nghiệp vụ: lĩnh vực giao thông vận tải, công thương…). Một số đơn vị đề nghị UBND Thành phố có phương án ủy quyền một số TTHC mới.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại buổi làm việc

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị Văn phòng UBND Thành phố tiếp thu lại các ý kiến của các đơn vị. Đồng thời, các đơn vị cũng phải tiếp tục thống nhất về chủ trương về phân cấp ủy quyền.

“Các nội dung khi triển khai ủy quyền phải xác định lấy việc phục vụ người dân, giảm thời gian, giảm công sức, đơn giản nhất có thể để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Những TTHC ủy quyền trước cần có đánh giá thận trọng, xây dựng đúng quy trình, sau đó nhân rộng để các đơn vị có thời gian để bố trí đầy đủ điều kiện máy móc, thiết bị, nhân sự khi nhận ủy quyền”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định việc triển khai phương án ủy quyền giải quyết TTHC trên địa bàn là chủ trương lớn của Chính phủ và của Hà Nội, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và nội bộ trong các cấp quản lý tại Thành phố.

Ghi nhận và đánh giá cao các Sở ngành, quận, huyện, thị xã cũng như các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã nỗ lực, có sự vào cuộc, hành động cụ thể thực hiện nhiệm vụ phân cấp ủy quyền để có được kết quả như hôm nay, Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn các cơ quan, đơn vị tiếp tục quyết tâm, đẩy mạnh việc phân cấp ủy quyền thực hiện TTHC theo hướng “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực", bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước song song với việc đẩy mạnh số hóa quy trình giải quyết TTHC.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh kết luận buổi làm việc

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan, đơn vị phối hợp cùng Văn phòng UBND Thành phố rà soát, đánh giá các công việc hành chính, nhiệm vụ ngoài TTHC (TTHC nội bộ) để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố có phương án ủy quyền thực hiện nhiệm vụ, các công việc hành chính theo thẩm quyền.

Cùng với đó, tham mưu, trình UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành quyết định ủy quyền hoặc phân cấp; ban hành hoặc chỉ đạo ban hành quyết định ủy quyền hoặc phân cấp theo phương án ủy quyền hoặc phân cấp của Thành phố.

Tiến hành rà soát, khảo sát bảo đảm các điều kiện tiếp nhận ủy quyền hoặc phân cấp của các đơn vị được ủy quyền hoặc phân cấp; kiện toàn tổ chức bộ máy, phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện cho các đơn vị trực thuộc…