Tại hội thảo, Chủ tịch UBND Hà Nội - ông Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4, xét đề nghị của Tập đoàn Vingroup - Công ty CP xin lập hồ sơ đề xuất đầu tư Dự án, UBND thành phố đã giao đơn vị cùng Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) lập hồ sơ đề xuất, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và hiện tại hồ sơ đã cơ bản hoàn thành.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng cộng 23 điểm giao cắt, trong đó có 5 vị trí nút giao với đường cao tốc. Về phạm vi giải phóng mặt bằng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan rà soát, tính toán cụ thể theo đúng quy định của các địa phương, bảo đảm tính đúng, tính đủ.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của Dự án khoảng 1.341 ha (Hà Nội: 741 ha; Hưng Yên: 274 ha và Bắc Ninh 326 ha). Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 14.647 hộ, số hộ tái định cư khoảng 1.997. Sau khi rà soát kỹ lưỡng, tổng mức đầu tư của dự án là 87.225 tỷ đồng.

Về phương án đầu tư, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo hình thức hỗn hợp đầu tư công và phương thức đối tác công tư; được chia thành 7 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định cư và Dự án đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành thực hiện theo hình thức đầu tư công với cơ cấu hợp lý, khả thi giữa vốn trung ương và vốn địa phương; Dự án đầu tư đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư PPP (hợp đồng PPP) trong đó tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư.

Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó đoạn tại Hà Nội dài 58,2km.
Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô có chiều dài 112,8km, trong đó đoạn tại Hà Nội dài 58,2km.

Dự án được phân chia thành 3 hợp phần. Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong giai đoạn 2021-2027, trong đó hợp phần 1, 2 thực hiện trong giai đoạn 2023-2026; hợp phần 3 từ 2023-2027 và hợp phần này dự kiến đưa vào khai thác đầu năm 2028.

Để bảo đảm tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức thực hiện, nguồn vốn đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương dự án thành phần, thẩm định, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh các dự án thành phần, cơ chế chỉ định thầu…

Tại Hội thảo, PGS. TS Hoàng Hà, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng dự án nên thiên về phương án đi cao với tỷ lệ lớn để giải quyết xung đột giao thông dưới thấp hiện nay; bố trí các tuyến đường gom liên tục tại các tuyến vành đai lớn và phải thiết kế đồng bộ phương án thoát nước cục bộ ngoài khu vực dự án; tính tới khả năng chia sẻ lưu lượng khi kết nối và ảnh hưởng các tuyến giao thông khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ, cần xác định đường Vành đai 4 là đường cao tốc đô thị. Chức năng của đường cao tốc đi trong đô thị tạo động lực phát triển đô thị. Việc quản lý, vận hành theo cơ chế của đường cao tốc - Hệ thống giao thông thông minh (ITS). Về các nút giao cắt, nếu không xác định rõ thì tuyến đường sẽ trở thành đường đô thị. Do đó phải tính đến việc đầu tư đồng bộ, các nút giao để phân luồng từ xa, mang tính kết nối.