Google dùng hình ảnh chim Lạc để chúc mừng ngày Quốc khánh Việt Nam
Hình ảnh chim Lạc xuất hiện trên trang tìm kiếm của Google

Khi nhấn vào biểu tượng chim Lạc trên trang tìm kiếm của Google, người sử dụng sẽ được dẫn về trang kết quả tìm kiếm với từ khoá "Ngày Quốc khánh Việt Nam" bao gồm hình ảnh Bác Hồ, quốc kỳ Việt Nam và các nội dung liên quan tới ngày Quốc khánh Việt Nam như lịch bắn pháo hoa, chùm ảnh về Hà Nội, các địa điểm vui chơi giải trí dịp 2/9.

Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý khẳng định với toàn thế giới về chủ quyền độc lập, tự do của Việt Nam.

Với ý nghĩa lịch sử trọng đại ấy, ngày mùng 2/9 đã được lấy làm ngày Quốc Khánh của Việt Nam.

Chim Lạc là chim gì?

Theo Giáo sư Đào Duy Anh, chim lạc là vật tổ của tổ tiên chúng ta (người Lạc Việt). Ông gọi chim này là “hậu điểu”, tức giống chim di trú từ Giang Nam (Trung Hoa) bay đến vùng đất mới (miền Bắc nước ta ngày nay), người Lạc Việt đã theo “vật tổ” đến định cư ở vùng đất này. (tập 1 bộ Lịch sử cổ đại Việt Nam (1957), phần viết về Nguồn gốc dân tộc VN).

Trong Hán ngữ, “hậu điểu” (候鳥) là từ dùng để gọi những loài chim di trú, người Pháp gọi là “oiseaux migrateurs”. Ngày xưa, người Trung Hoa gọi dân tộc ta là “Lạc Việt” (雒 越, 駱 越 hay 貉 越), trong quyển Giao Châu Ngoại Vực Ký (thế kỷ 4), được sách Thủy Kinh Chú (thế kỷ 6) dẫn lại có nhắc đến từ “Lạc điền”, “Lạc dân”, Lạc hầu”, “Lạc tướng”. Có lẽ căn cứ vào những chữ “lạc” này nên GS đã mạnh dạn gọi những con chim trên trống đồng là chim Lạc.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cũng khẳng định, chim lạc nằm trong hệ thống kết quả nghiên cứu của Giáo sư Đào Duy Anh về nguồn gốc dân tộc, “Chim lạc sở dĩ gọi thế là vì liên quan đến “Totem” của người Lạc Việt (Trong khi di cư, thấy loài “Hậu Điểu” này gắn bó nên thờ làm Vị Tổ luôn). Vào thế kỷ thứ 4 - 3 TCN do sức ép của Hán tộc đã có một cuộc di dân lớn từ Phúc Kiến xuống Phương Nam bằng đường biển bay theo thuyền đó là “Hậu Điểu” nay là “Chim Lạc”.

“Chim Lạc” và cuộc di cư này được khắc trên trống đồng Đông Sơn. Nhưng niên đại trống đồng này được xác định từ thế kỷ 7 TCN, trước cuộc di cư tới 2 - 3 thế kỷ - tức là nó không phải con chim bay theo thuyền di cư thế kỷ 4 - 3 TCN.

Chim Lạc là âm Hán – Việt gốc từ Trung Hoa đọc là “Lúc” trong tiếng Việt không thứ chim nào gọi là “Lúc” mà chỉ có na ná với âm “Lúa”. Hội thảo quốc gia 1968 - 1971 về thời đại Hùng Vương đã có hội thảo chuyên đề về những hình chim trên trống đồng Đông Sơn. Chuyên gia đồ họa đầu ngành họa sỹ Phan Kế Anh và chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ học lúc bấy giờ, GS. Nguyễn Kim Thảo cùng chúng tôi đã nhất trí: Chẳng cần phải cầu kỳ rắc rối mà dùng thứ từ ngữ xa lạ để gọi những hình chim nói chung và hình con chim mỏ dài, cổ dài, chân dài, cánh ngắn được khắc họa trên đồ đồng Đông Sơn, mà hãy gọi thẳng bằng ngôn ngữ dân tộc phổ thông: “Con Cò”, giữa những con: Sếu, vạc, bồ nông… bình dị, thân thiết, là những con chim nước sống ở các cánh đồng ruộng nước, rất gần quanh các làng chạ và thân thiết với người nông dân trồng lúa nước của nước Việt ta, xưa cũng như nay.

Ngoài ra, tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc Việt Nam là Rồng và chim Phượng có rễ sâu mạch dài theo dòng lịch sử văn hóa từ thời Thị tộc cho đến ngày nay. Trên các đình, đền, miếu, phủ còn thấy biểu tượng “Lưỡng long triều nguyệt”, trục biểu có 4 con chim Phượng tọa 4 góc Bắc, Nam, Đông, Tây bảo vệ nơi thờ cúng. Trong tổ chức lễ hôn, người nhân thường treo tranh “Rồng và Phượng” (Phượng Hoàng) và chữ Hỉ, Rồng Phượng như là một vị thần bảo vệ hạnh phúc lứa đôi.

Trong các đồ án mỹ thuật nơi thờ tự cũng như đồ gia dụng (Bàn ghế, giường, tủ) cũng không tìm thấy hình tượng con chim Lạc mà chỉ thấy hình bóng con Rồng cách điệu và con chim khác.