Facebook, Instagram... trở thành website thương mại điện tử từ ngày 1/1/2022
Thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam phải tuân theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam. Ảnh minh hoạ |
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử vừa được Chính phủ ban hành. Nghị định số 85 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 có một số nội dung đáng chú ý sau đây:
Hoạt động thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức nước ngoài
Đây là quy định hoàn toàn mới của Nghị định 85/2021. Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau:
-Website thương mại điện tử dưới tên miền Việt Nam;
- Website thương mại điện tử có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt;
- Website thương mại điện tử có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định trên thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định này và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
“Hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài”- Nghị định 85 nêu rõ.
Theo Nghị định 85, thương nhân, tổ chức nước ngoài bán hàng hóa trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam phải tuân theo Quy chế hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam.
Tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng. Ảnh minh hoạ |
Trách nhiệm cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ của người bán
Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 85/2021/NĐ-CP thông tin về hàng hoá, dịch vụ đối với website thương mại điện tử bán hàng phải được người cung cấp chi tiết, cụ thể:
- Đối với hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website, người bán phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.
- Thông tin về hàng hóa công bố trên website phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy.
- Người bán hàng hóa, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó.
Thương nhân cung cấp dịch vụ logistics chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Ảnh minh hoạ |
Thêm chủ thể của hoạt động thương mại điện tử là dịch vụ logistic
Theo đó, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ logistics chính thức được công nhận là chủ thể của hoạt động thương mại điện tử. Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi khoản 5 Điều 24 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 24: Chủ thể của hoạt động thương mại điện tử
5. Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử.”
Trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ logistics trong quá trình giao dịch qua sàn thương mại điện tử được quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 85/2021.
Bắt buộc công bố về chính sách kiểm hàng trên website thương mại điện tử
Theo khoản 1 Điều 13, tất cả các website thương mại điện tử phải công bố về chính sách kiểm hàng; chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này.
Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động kinh doanh trong quy định thì người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó. Ảnh minh hoạ |
Facebook, Instagram... trở thành website thương mại điện tử
Theo khoản 15 Điều 1 Nghị định 85, các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử sau khi được sửa đổi, bổ sung gồm:
- Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ.
- Website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng.
- Website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
- Mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại các mục 1, 2, 3 nêu trên và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Như vậy, thương nhân, tổ chức còn được thực hiện hoạt động thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram... Người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động mua bán phải trả phí và thực hiện đăng ký theo quy định.
Bổ sung thêm trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử
Trước đây, trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các một số chủ thể là cá nhân có tên riêng theo những ký tự của tiếng nước ngoài.
Tuy nhiên, theo quy định mới, người bán phải trên sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 29 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (tên, địa chỉ...) khi đăng ký sử dụng dịch vụ. Với người bán nước ngoài, các tên riêng được phiên âm tiếng Việt hoặc thể hiện bằng ký tự La tinh (khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP).
Khoản 16 Điều 1 cũng quy định chi tiết về trách nhiệm của thương nhân về việc xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Quy định cũ không nêu rõ chi tiết các biện pháp mà thương nhân phải khắc phục để áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm.