Theo Vụ Chính sách tiền tệ, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN thông báo riêng cho từng ngân hàng và quản lý theo “thông tin nội bộ”.

Về căn cứ cấp room tín dụng, NHNN cho biết dựa trên nhiều yếu tố như: kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung); tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường...

Trong năm 2022, NHNN đã có 4 đợt cấp room tín dụng của các ngân hàng. Trong đó, 3 đợt tiến hành một cách có chọn lọc vào những tháng cuối năm để đảm bảo dòng vốn bơm vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro.

Cơ chế cấp room tín dụng đối với các ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011. Hàng năm, NHNN thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý 1, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.

Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, room tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) năm nay được cấp là 13,5% (năm 2022 là 9,5%). Đây cũng là ngân hàng duy nhất được cấp tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2022.

Còn lại, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) được cấp room là 11% (năm 2022 là 15%). Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) là 9,8% (năm 2022 là 10%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) là 9,5% (năm ngoái là 10%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) là 9,1% (năm 2022 là 11,5%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) cùng ở tỷ lệ là 9% (năm trước là 15%); Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 9,5% (năm trước là 13,5%).

Loạt ngân hàng thương mại đã được NHNN cấp room tín dụng đợt đầu của năm 2023 từ 9,1% - 13,5%. Ảnh minh họa
Loạt ngân hàng thương mại đã được NHNN cấp room tín dụng đợt đầu của năm 2023 từ 9,1% - 13,5%. Ảnh minh họa

Trước đó, chia sẻ về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Trong đó, việc điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

NHNN sẽ thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh.

Tín dụng được hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông.

NHNN cho biết sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng tổ chức tín dụng (TCTD); trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của TCTD, NHNN sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01.

Việc thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng TCTD căn cứ một số tiêu chí cơ bản như kết quả chấm điểm xếp hạng TCTD đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung); Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất; Lãi suất; Việc tham gia hỗ trợ xử lý TCTD yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém); Tình hình thực tiễn thị trường...