Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã làm việc với các địa phương đề xuất quy hoạch cảng hàng không trong tháng 11/2022. Tại mỗi buổi làm việc, các đơn vị tư vấn, không lưu đã rà soát, nêu kết quả nghiên cứu và đánh giá về khả năng quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.

Từ kết quả của các buổi làm việc nói trên, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay gồm: Hà Giang (sân bay Tân Quang), Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang), Hà Tĩnh, Kon Tum (Măng Đen), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hoà (Vân Phong), Đăk Nông, Tây Ninh. Các địa phương được yêu cầu lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.

Theo đó, đại diện Cục Hàng không cho biết từ ngày 9/11 đến ngày 18/11/2022, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với UBND của 10 tỉnh có đề xuất gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch các sân bay nhỏ trên địa bàn.

Cụ thể, đoàn công tác đã nêu rõ kết quả nghiên cứu, đánh giá về khả năng bố trí, quy hoạch cảng hàng không; phân tích, đánh giá nhu cầu để UBND các tỉnh xem xét. Đến nay, đã có 5 địa phương là Hà Giang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Tây Ninh có ý kiến chính thức bằng văn bản và 5 địa phương là Tuyên Giang, Sơn La, Yên Bái, Đắk Nông, Khánh Hòa chưa có ý kiến chính thức bằng văn bản.

Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, bổ sung quy hoạch 9 sân bay mới
Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, bổ sung quy hoạch 9 sân bay mới.

Cũng liên quan đến nội dung trên, lãnh đạo một đơn vị tư vấn lập quy hoạch, nếu các sân bay mới không có xung đột về vùng trời, lại có doanh nghiệp cam kết bỏ vốn đầu tư thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch. Hiện kinh tế các địa phương phát triển nhanh nên quy hoạch hàng không cần có tính động, tính mở để tạo thuận lợi cho địa phương chủ động kêu gọi phát triển hạ tầng.

Đơn vị tư vấn trên đánh giá kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay của các địa phương đều hợp lý, rõ nhất là Hà Giang. Trong bối cảnh xây cao tốc kết nối địa phương này với Hà Nội chi phí lớn, kéo dài cả chục năm, thì việc đầu tư một sân bay có quy mô hợp lý, chi phí thấp hơn có thể mang lại cú hích trong phát triển kinh tế.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, các điều kiện liên quan (kể cả điều kiện về có nhà đầu tư quan tâm), Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới tại các tỉnh: Hà Giang (sân bay Tân Quang), Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang), Hà Tĩnh, Kon Tum (Măng Đen), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hoà (Vân Phong), Đăk Nông, Tây Ninh. Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng đề nghị các địa phương trên lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.

Sân bay duy nhất trong đề xuất bị loại là Mộc Châu (sân bay thứ 2 của Sơn La, ngoài sân bay Nà Sản). Theo Cục Hàng không, vị trí khu đất làm sân bay trong rừng quốc gia Mộc Châu có thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến khai thác dân dụng. Phía địa phương cũng thống nhất sân bay Mộc Châu chỉ phục vụ chuyên dùng (bay du lịch, thủy phi cơ, trực thăng).

Trước đó, vào tháng 4/2022 khi trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quy hoạch hệ thống cảng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã liệt kê 6 tiêu chí quan trọng để 1 sân bay có thể được đưa vào quy hoạch. Cụ thể gồm: sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không…); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km đối với sân bay miền núi).

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng đây là cơ sở để tránh lãng phí về nguồn lực và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tư nhân có thể định lượng hiệu quả trong trường hợp các sân bay được đầu tư theo hình thức PPP.