Bước vào “kỷ nguyên” của năng lượng sạch

Theo ước tính của Báo cáo Triển vọng Công nghệ Năng lượng năm 2023 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), quy mô thị trường các công nghệ năng lượng sạch sẽ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2030, tăng gấp 3 lần so với giá trị thị trường hiện tại.

“Thời đại công nghiệp mới”, hay “kỷ nguyên mới của sản xuất công nghệ sạch”, đề cập tới công nghệ sản xuất tuabin gió, máy bơm nhiệt, pin cho xe điện, tấm pin mặt trời và máy điện phân hydro.

Kết quả của quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch có thể kể tới quá trình điện khí hoá giao thông vận tải, thay thế nhiên liệu hoá thạch bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng hạt nhân, năng lượng hydro,…

Công nghệ sản xuất năng lượng sạch sẽ ‘thống trị’ lĩnh vực năng lượng năm 2023?
Công nghệ sản xuất năng lượng sạch được dự báo sẽ "lên ngôi" trong thập kỷ tới. (Ảnh minh hoạ)

Dự báo của IEA dựa trên việc các quốc gia thực hiện đầy đủ các cam kết khí hậu, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về “0”.

IEA cho biết: “Các việc làm liên quan sản xuất năng lượng sạch sẽ tăng hơn gấp đôi từ 6 triệu hiện nay lên gần 14 triệu vào năm 2030, và tốc độ tăng trưởng công nghiệp và việc làm nhanh hơn nữa được dự kiến trong những thập kỷ tiếp theo khi quá trình chuyển đổi diễn ra”.

Một điều đáng chú ý hiện nay là chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tác động của đại dịch COVID-19 và các biến động địa chính trị trên thế giới trong những năm gần đây.

Hiện nay, Trung Quốc đang thống trị việc sản xuất và thương mại “hầu hết các công nghệ năng lượng sạch”. Đặc biệt, Trung Quốc chiếm ưu thế trong tất cả các công nghệ sản xuất hàng loạt pin, tấm pin mặt trời, gió, máy bơm nhiệt và máy điện phân.

Mặt khác, phần lớn hoạt động khai thác khoáng sản quan trọng tập trung ở một số ít quốc gia. Ví dụ, Cộng hòa Dân chủ Congo sản xuất hơn 70% lượng coban của thế giới. Ba quốc gia là Úc, Chile và Trung Quốc chiếm hơn 90% sản lượng lithium toàn cầu.

Nhận xét về báo cáo, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết, hành tinh “sẽ được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng công nghệ sạch đa dạng hơn”. Trước đó, ông đánh giá rằng, động lực chính của đầu tư năng lượng sạch là an ninh năng lượng hơn là biến đổi khí hậu.

Nói cách khác, các chính phủ đang quan tâm tới việc ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang cận kề hơn là giải quyết các vấn đề như hạn chế xu hướng ấm lên toàn cầu, khắc phục thiệt hại thiên tai và thời tiết cực đoan,...

Đạo luật Giảm lạm phát ở Mỹ và các quy định ở Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đã hoặc sẽ có hiệu lực sẽ góp phần thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào năng lượng sạch trong thời gian tới.

Đứng trước nhiều thách thức

Theo nhận định của các chuyên gia năng lượng trên thế giới, năm 2022 là một năm có nhiều biến động đối với ngành năng lượng toàn cầu. Những khía cạnh rõ thấy nhất có thể kể tới: Đại dịch COVID-19 tiếp diễn khiến chuỗi cung ứng sản xuất bị ngắt quãng, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá khí đốt tăng cao, bên cạnh các biện pháp trừng phạt từ phương Tây với Nga cùng các chính sách năng lượng mới.

Theo chuyên gia Sirri Uyanik từ Đại học Karatay (Thổ Nhĩ Kỳ) chia sẻ với hãng thông tấn Anadolu, với sự tăng giá của khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than đá và điện, đặc biệt là vào mùa xuân, cộng với những lo ngại về khả năng tiếp cận nguồn cung năng lượng, thế giới đã chứng kiến cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong lịch sử.

Theo đó, nhiều quốc gia đang “chần chừ” trong việc tuân thủ các cam kết khí hậu của họ trước nguy cơ mất an ninh năng lượng. Biểu hiện là một số nước ở châu Âu mở lại nhà máy điện than và thế giới quay trở lại với nhiên liệu hóa thạch, thay vì tiếp tục thúc đẩy ngành năng lượng sạch.

Trong bối cảnh hiện tại, vai trò chủ chốt thuộc về quyết tâm của các chính phủ trong việc thúc đẩy các chính sách năng lượng. Cụ thể, các chính sách công vẫn được xem là mang tính quyết định các biện pháp khuyến khích và can thiệp thị trường. Nếu các chính phủ không thúc đẩy việc ban hành các chính sách ưu đãi cho ngành năng lượng sạch một cách hợp lý và kịp thời, thị trường này khó thể phát triển bền vững.

Ngoài ra, các vấn đề địa chính trị trên thế giới có thể ảnh hưởng tới thị trường năng lượng sạch. Đơn cử, mối quan hệ giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hoả (OPEC) và Nga, cũng như hạn ngạch và lệnh trừng phạt, sẽ tiếp tục là chủ đề “nóng” trong ngành dầu mỏ.

“Thuế biên giới carbon” của Liên minh châu Âu (EU) và xu hướng công nghệ năng lượng sạch của Mỹ có thể làm gia tăng cạnh tranh và căng thẳng giữa hai bên. Suy thoái kinh tế có thể là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến thị trường này.