Xung quanh câu chuyện đầu tư cao tốc Bắc – Nam với quy mô 4 làn xe, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Pacific Group, một doanh nghiệp chuyên đầu tư vào hạ tầng.

PV: Chính phủ đang trình Quốc hội đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam với quy mô đầu tư 4 làn xe chia làm 12 dự án với chiều dài 729 km. Theo ông với một tuyến giao thông huyết mạch như vậy mà chỉ đầu tư 4 làn xe thì có mang lại hiệu quả?

Ông Lê Ngọc Ánh Minh: Theo tôi thì đầu tư cao tốc 4 làn xe thật sự hiệu quả không cao. Khi đầu tư cao tốc, cần tính toán dài hạn để kéo giảm chi phí. Nếu tổ chức thi công xuyên suốt và có tầm nhìn dài thì nhà thầu cung ứng vật liệu, thiết bị sẽ có cơ hội tổ chức sản xuất lớn để kéo giảm chi phí đầu tư.

Một tuyến cao tốc 6 làn xe, thậm chí 8 làn xe cũng chỉ tốn một lần huy động máy móc thiết bị và nhân công, khối lượng vật liệu lớn sẽ kéo giảm chi phí. Việc đầu tư đường cao tốc với 4 làn xe chỉ giải quyết về ngắn hạn bởi vì sau khi đầu tư tuyến 4 làn khi lượng xe tăng sẽ gây kẹt xe nghiêm trọng, chúng ta lại phải tổ chức cơi nới rất tốn kém, tốn kém về chi phí và thời gian tổ chức đấu thầu, đền bù giải tỏa...

pv.jpg

Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Pacific Group

Theo ông đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam nên làm mấy làn xe thì hiệu quả?

Với một tuyến đường huyết mạch có lượng xe đi lại lớn như tuyến cao tốc Bắc – Nam, theo tôi nên đầu tư tối thiểu là 6 làn xe mới mang lại hiệu quả. Ít nhất phải đầu tư 6 làn xe như tuyến Nội Bài - Nhật Tân và Hà Nội - Hải Phòng. Khi đầu tư 6 làn xe thì vận chuyển hàng hóa và hành khách từ Bắc vào Nam và ngược lại mới rút ngắn đáng kể được thời gian, khi đó hiệu quả của tuyến cao tốc mang lại mới thật sự cao.

Theo lý giải của Chính phủ do nguồn vốn đầu tư công hạn chế nên chỉ đầu tư 4 làn xe. Với một dự án lớn như vậy mà dùng toàn bộ vốn ngân sách để đầu tư thì ông thấy như vậy đã hợp lý chưa? Theo ông có thể tìm thêm các nguồn vốn khác để đầu tư thành 6 hoặc 8 làn xe hay không ?

Trong tình hình ngân sách hiện nay phải chi cho công tác chống dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài thì việc đầu tư cao tốc hoàn toàn bằng vốn ngân sách là chưa hợp lý. Theo tôi, Chính phủ nên tính toán lại, huy động thêm nguồn vốn tư nhân để bố trí đầu tư 6 làn hoặc 8 làn xe.

Việc huy động vốn tư nhân có thể thực hiện bằng cách đấu giá đất dọc hai bên đường cao tốc hoặc bán quyền khai thác các dự án đã hoàn thành để có thêm vốn đầu tư thành 6 hoặc 8 làn xe. Một cách nữa có thể làm là để các doanh nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực đầu tư rồi cho thu phí bởi vì hiện nay Quốc hội cho phép thu phí khi nhà đầu tư làm tuyến đường hoàn toàn mới.

Tôi nhận thấy trong giai đoạn này, kinh tế tư nhân tại Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực làm nhà đầu tư cao tốc và có thể tổ chức sản xuất lớn để kéo giảm chi phí. Theo tôi thì doanh nghiệp tư nhân trong nước đủ tiềm lực để làm cao tốc mang tầm nhìn dài hạn. Tôi nhớ là trước đây cũng có doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng là nên giao cho doanh nghiệp nội làm chủ đầu tư cao tốc Bắc -Nam

Theo ông khi đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam cần rút ra bài học gì để tránh lặp lại việc đầu tư chưa bao lâu đã quá tải ở một số dự án trước đây?

Về việc đầu tư đường cao tốc Việt Nam có thể tham khảo Hàn Quốc và Nhật Bản, dường như họ ít xảy ra chuyện quá tải cao tốc sau khi đầu tư vài năm. Bởi vì các nước luôn có cái nhìn dài hạn và huy động cả tư nhân tham gia cùng nhà nước.

Tôi cho rằng với một tuyến cao tốc quan trọng như tuyến cao tốc Bắc – Nam nên tập trung đầu tư một lần ít nhất là 6 làn xe để kéo giảm chi phí xây dựng cũng như tổ chức thi công, tránh việc đầu tư xong vài năm quá tải rồi lại đi mở rộng rất tốn kém. Việc đầu tư đường cao tốc với 4 làn xe chỉ giải quyết về ngắn hạn điều này đã thấy rõ ở tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Có những thời điểm kẹt xe đi cao tốc trở thành “thấp tốc”.

Xin cảm ơn ông!