Sẵn sàng tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi

Bộ Y tế vừa có Công văn số 1535/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế cho biết dự kiến triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 4, ngay sau khi Úc viện trợ khoảng 13,7 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna.

Hiện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Bộ Y tế) đang phối hợp với Đại sứ quán Úc để đưa vaccine về Việt Nam. Đợt 1 có khoảng 9,7 triệu liều, bao gồm: 0,7 triệu liều do Pfizer sản xuất và 9 triệu liều do Moderna sản xuất. Số vắc-xin này đều có hạn sử dụng đến tháng 7/2022, dự kiến vận chuyển về Việt Nam vào đầu tháng 4. Đợt 2 có khoảng 4 triệu liều do Pfizer sản xuất, được Chính phủ Úc viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi sẽ triển khai theo chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định ở trạm y tế phường - xã, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học. Trẻ trong độ tuổi đi học sẽ được lập danh sách theo lớp, bao gồm học sinh lớp 6 của trường THCS, học sinh đang học trường tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) và trẻ 5 tuổi đang học mẫu giáo. Những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để bảo đảm không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

TP HCM đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vắc-xin đối với nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Ảnh: Người Lao động
TP HCM đã sẵn sàng cho chiến dịch tiêm vắc-xin đối với nhóm trẻ từ 5-11 tuổi. Ảnh: Người Lao động

Theo đại diện Chương trình Tiêm chủng quốc gia, việc tiêm chủng được thực hiện giống như đợt trước đó với nhóm từ 12 đến dưới 18 tuổi, tức triển khai tiêm trước cho nhóm trẻ học lớp 6 (dưới 12 tuổi) và hạ thấp dần độ tuổi. Yêu cầu hàng đầu là bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Trong tuần này, Bộ Y tế sẽ tập huấn, hướng dẫn chuyên môn triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi cho các địa phương; hướng dẫn xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức buổi tiêm chủng, góp phần bảo đảm an toàn chung.

Nói về sự cần thiết tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, khẳng định việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ lứa tuổi này có ý nghĩa rất quan trọng, làm giảm nguy cơ bệnh nặng, giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người trong gia đình, đặc biệt là người có nguy cơ cao, những người chống chỉ định tiêm chủng và chưa đến tuổi tiêm chủng. Việc này góp phần tăng diện bao phủ vắc-xin trong cộng đồng, góp phần thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Theo đại diện Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có nhiều nước tại châu Á như Nhật Bản, Singapore, Philippines, Malaysia… Ghi nhận thực tế từ các nước đã tiêm vắc-xin cho nhóm này cho thấy tỉ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cũng tương đối thấp.

Liên quan đến băn khoăn của nhiều phụ huynh về việc trẻ từng mắc COVID-19 (tức là đã có miễn dịch tự nhiên) liệu có cần tiêm vaccine không, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết một số nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm.

Vì vậy, theo TS Phạm Quang Thái, nên tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay sau khi nhiễm bệnh thì miễn dịch sẽ nhiều hơn, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu COVID-19 và tình trạng COVID-19 kéo dài.

Kỷ lục với hơn 1,67 triệu người mắc COVID-19 tại Việt Nam khỏi bệnh

Tính từ 16h ngày 28/3 đến 16h ngày 29/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 88.378 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 88.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.003 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 61.258 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (8.993), Phú Thọ (4.302), Bắc Giang (4.047), Nghệ An (3.817), Yên Bái (3.232), Lào Cai (2.958), Đắk Lắk (2.714), Vĩnh Phúc (2.710), Quảng Ninh (2.598), Hà Giang (2.391), Quảng Bình (2.217), Thái Bình (2.176), Sơn La (2.053), Bắc Kạn (2.009), Hải Dương (1.986), Lạng Sơn (1.979), Cà Mau (1.977), Cao Bằng (1.937), Tuyên Quang (1.854), Hưng Yên (1.769), Lâm Đồng (1.614), Tây Ninh (1.572), Thái Nguyên (1.502), Hòa Bình (1.470), Bắc Ninh (1.456), Quảng Trị (1.437), Lai Châu (1.424), Hà Nam (1.312), Bình Định (1.290), Điện Biên (1.240), Vĩnh Long (1.165), Bình Dương (1.021), Đắk Nông (1.019), Quảng Ngãi (901), Bến Tre (899), Hà Tĩnh (826), Ninh Bình (823), Nam Định (812), Bà Rịa - Vũng Tàu (801), Đà Nẵng (752), Trà Vinh (738), TP. Hồ Chí Minh (734), Thừa Thiên Huế (678), Bình Phước (657), Phú Yên (625), Khánh Hòa (625), Thanh Hóa (561), Hải Phòng (522), Bình Thuận (485), Kon Tum (358), Quảng Nam (284), Bạc Liêu (202), An Giang (174), Kiên Giang (155), Long An (148), Đồng Tháp (90), Tiền Giang (81), Cần Thơ (61), Sóc Trăng (47), Ninh Thuận (45), Đồng Nai (31), Hậu Giang (20).

Biểu đồ số ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 29/3.
Biểu đồ số ca mắc mới COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 29/3.

Ngày 29/3/2022, Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 17.600 ca, Sở Y tế Bình Định đăng ký bổ sung 5.662 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên (-985), Yên Bái (-563), Đắk Lắk (-491).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (+809), Hải Dương (+621), Tây Ninh (+603).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 103.374 ca/ngày.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.679.138 ca (rà soát, cập nhật số liệu điều trị ngoại viện)

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 7.153.846 ca

2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.639 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.920 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 322 ca

- Thở máy không xâm lấn: 96 ca

- Thở máy xâm lấn: 296 ca

- ECMO: 5 ca

3. Số bệnh nhân tử vong:

- Từ 17h30 ngày 28/3 đến 17h30 ngày 29/3 ghi nhận 55 ca tử vong tại: An Giang (4), Bạc Liêu (4), Bình Dương (4), Đồng Nai (4), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (4), Gia Lai (3), Lạng Sơn (3), Bình Định (2), Cao Bằng (2), Hà Tĩnh (2), Sóc Trăng (2), Tây Ninh (2), Trà Vinh (2), Vĩnh Long (2), Bắc Giang (1), Bến Tre (1), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Hà Nam (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), TP. Hồ Chí Minh (1)

- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 57 ca.

- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.306 ca, chiếm tỷ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2022 cho phép chuyển nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 đã giao dự toán năm 2021 cho Bộ Y tế chưa sử dụng hết sang năm 2022 sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, Nghị quyết cho phép chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã giao dự toán cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của Bộ Y tế chưa thực hiện số tiền 4.643.821,75 triệu đồng (gồm cả kinh phí mua vaccine, vật tư tiêm chủng, tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vaccine phòng COVID-19) sang năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính.

Ca mắc mới COVID-19 trên cả nước giảm liên tục trong các ngày qua.
Cho phép chuyển nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đã giao dự toán cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của Bộ Y tế chưa thực hiện sang năm 2022. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu báo cáo và xử lý cụ thể theo quy định.

Nghị quyết yêu cầu đối với kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2022, Bộ Y tế chủ động sử dụng dự toán được giao, phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán (nếu có) theo quy định; tăng cường công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, đúng quy định.