Ngày 18/3, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land (Hưng Thịnh Land) tỏi chức Hội nghị Người sở hữu trái phiếu để bàn về việc điều chỉnh kỳ hạn và đưa ra phương án mua lại trước hạn cũng như điều chỉnh lãi suất đối với lô trái phiếu H79CH2123002, được phát hành vào 19/3/2021.

Cụ thể, trước điều chỉnh kỳ hạn của lô trái phiếu này là 24 tháng kể từ ngày phát hành, thời gian đáo hạn vào 19/3/2023. Sau khi điều chỉnh lô trái phiếu H79CH2123002 có thời hạn 30 tháng, ngày đáo hạn là 19/09/2023.

Hưng Thịnh Land sẽ mua lại trước hạn lô trái phiếu ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 19/9/2023 tối thiểu theo tiến độ thanh toán và trái chủ không cần thực hiện thêm bất kỳ thủ tục pháp lý nào khác.

Lãi suất trái phiếu ban đầu được xác định là 10,5%/năm đối với năm đầu tiên và thả nổi từ năm thứ hai trở đi, tính bằng tổng của 4,5%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi. Đồng thời, lãi suất sẽ không thấp hơn 10,5%/năm. Ngày thanh toán được phép chậm tối đa vào ngày cuối cùng của tháng đó so với cam kết theo tiến độ.

Từ năm thứ ba trở đi kể từ ngày phát hành lãi suất áp dụng là 15%/năm. Trong trường hợp Hưng Thịnh Land thanh toán đúng hạn gốc, lãi trái phiếu, lãi suất sẽ điều chỉnh về 13%/năm và điều chỉnh toàn bộ lãi suất của tất cả các kỳ từ năm thứ 3 trở đi vào kỳ thanh toán cuối cùng. Trong trường hợp tổ chức phát hành thanh toán gốc, lãi bị chậm nhưng không quá ngày cuối cùng của tháng thì toàn bộ lãi suất sẽ được áp dụng là 15%/năm và trái phiếu không bị tuyên bố vi phạm. Trường hợp nếu Hưng Thịnh Land thanh toán gốc, lãi chậm các mốc cam kết nêu trên thì lãi suất áp dụng là 18%/năm cho phần trả chậm.

Trong trường hợp tổ chức phát hành vi phạm các nội dung nêu trên, đại diện người sở hữu trái phiếu sẽ gửi thông báo yêu cầu mua lại trước hạn cho tổ chức phát hành và các bên liên quan sẽ yêu cầu Hưng Thịnh Land phải thực hiện mua lại bắt buộc toàn bộ trái phiếu đang lưu hành sau 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức phát hành nhận được thông báo vi phạm. Sau thời điểm mua lại bắt buộc theo thông báo nêu trên, nếu tổ chức phát hành không khắc phục được thì đại diện người sở hữu trái phiếu sẽ ra thông báo xử lý và gửi các bên liên quan.

Hưng Thịnh Land được trái chủ gia hạn thêm 6-7 tháng nhưng áp dụng lãi suất 15%/năm. Ảnh: Hưng Thịnh.
Hưng Thịnh Land được trái chủ gia hạn thêm 6-7 tháng nhưng áp dụng lãi suất 15%/năm. Ảnh: Hưng Thịnh.

Tương tự, ngày 19/3, CTCP Hưng Thịnh Land đã tổ chức Hội nghị Người sở hữu trái phiếu để bàn về việc điều chỉnh kỳ hạn và đưa ra phương án mua lại trước hạn cũng như điều chỉnh lãi suất đối với lô trái phiếu HTLAND.2020.TV01.

Hội nghị đã thông qua việc điều chỉnh kỳ hạn lô trái phiếu nói trên từ 36 tháng sang 43 tháng, tức đáo hạn vào ngày 20/10/2023 (thay vì đáo hạn vào ngày 20/3/2023 như trước đó).

Hưng Thịnh Land sẽ mua lại trước hạn lô trái phiếu ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 20/10/2023 tối thiểu theo tiến độ thanh toán và trái chủ không cần thực hiện thêm bất kỳ thủ tục pháp lý nào khác.

Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu cũng được điều chỉnh từ năm thứ tư trở đi, được áp dụng mức cố định 15% mỗi năm. Trong trường hợp Hưng Thịnh Land thanh toán gốc, lãi chậm so với cam kết thanh toán nêu trên thì phải chịu lãi suất 18%/năm đối với phần trả chậm tính trên số ngày chậm trả.

Trường hợp Hưng Thịnh Land vi phạm một trong các nội dung nêu trên, đại diện người sở hữu trái phiếu sẽ gửi thông báo yêu cầu mua lại trước hạn cho Hưng Thịnh Land và các bên liên quan để yêu cầu tổ chức phát hành thực hiện mua lại bắt buộc toàn bộ trái phiếu đang lưu hành sau 10 ngày.

Ở diễn biến khác, Hưng Thịnh Land lại bị chậm thanh toán gốc và lãi cho các trái chủ của lô trái phiếu H79CH2123015 và lô trái phiếu H79CH2223001.

Với mã H79CH2123015, công ty cần phải thanh toán lãi gần 23 tỷ đồng vào ngày 9/6 nhưng mới trả được hơn 11 tỷ đồng vào ngày 11/3.

Mã H79CH2223001 cần thanh toán gần 28 tỷ đồng tiền lãi và gần 985 tỷ đồng tiền vay gốc vào ngày 7/3. Công ty mới trả được gần 14 tỷ đồng tiền lãi trong ngày 13/3.

Hưng Thịnh Land nêu lý do chậm thanh toán cho 2 lô trái phiếu này là do tín dụng bị siết chặt, giao dịch bất động sản không thuận lợi đã ảnh hưởng đến dòng tiền chủ đầu tư, do đó tổ chức phát hành không thu xếp kịp nguồn vốn để thanh toán đầy đủ.