Theo báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố của Vinamilk, năm 2022 mặc dù doanh thu gần như đi ngang nhưng dưới lợi nhuận của Vinamilk lại sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân đến từ sự bào mòn của các khoản chi phí.

Cụ thể, chi phí tài chính trong năm 2022 ghi nhận ở mức 617 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, lỗ tỉ giá là khoản chênh lệch lớn nhất, tăng từ 35 tỷ đồng trong năm 2021 lên 280 tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng 697%. Đồng thời, chi phí lãi vay năm 2022 của Vinamilk đạt 166 tỷ đồng, “leo thang" 88% so với năm 2021.

Đồng thời, trung bình mỗi ngày Vinamilk phải chi ra hơn 27 tỷ đồng cho việc chào bán sản phẩm. Các khoản chi phí dịch vụ khuyến mại, chi phí quảng cáo trong năm của Vinamilk ở mức 9.915 tỷ đồng chiếm tới 16,5% doanh thu.

Chính vì các khoản chi phí phát sinh trên, sau thuế, Vinamilk chỉ thu về khoản lãi 8.578 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2021. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 7 năm qua của Vinamilk.

Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm Vinamilk chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo. Tuy nhiên đến năm 2020 và 2021, hai năm dịch Covid-19 bùng phát, thì Vinamilk mạnh tay cắt giảm chi phí này, với số tiền quảng cáo năm 2020 là 1.440 tỷ (giảm hơn 30% so với giai đoạn trước) và năm 2021 là 1.233 tỷ (giảm gần 50%).

Theo số liệu thống kê, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk năm 2021 là 42,5%, của năm 2020 là 46,4%. Hai con số này đều giảm so với mức trung bình 47,3% của giai đoạn 2016 - 2019. Đây là điều dễ hiểu khi đây là hai năm kinh tế cả thế giới chìm trong ảm đạm vì đại dịch. Ngoài ra, năm 2021 Vinamilk còn chịu ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào của ngành sữa tăng cao.

Vậy nên theo nhiều người, Vinamilk cắt giảm tiền quảng cáo để cải thiện biên lợi nhuận này.

Mỗi ngày Vinamilk chi 27 tỷ đồng cho quảng cáo sữa
Mỗi ngày Vinamilk chi 27 tỷ đồng cho quảng cáo sữa.

Động thái này của Vinamilk có thể là trái ngược với lý thuyết của nhiều chuyên gia marketing, những người cho rằng dù công ty gặp khó khăn, thì cũng không nên cắt chi phí marketing.

Theo lý giải của họ, cắt chi phí marketing đồng nghĩa với cắt giảm cơ hội tiếp cận khách hàng mới, cũng như giảm tương tác với khách hàng cũ. Khi các kênh marketing không còn hoạt động, thì mối liên hệ giữa thương hiệu và khách hàng không còn nhiều. Từ đó, khách hàng có thể tự hỏi liệu thương hiệu làm ăn có ổn định, nghi ngờ về những dịch vụ chăm sóc sau bán và có thể dần quên đi thương hiệu.

Khi khách hàng đã quên đi thương hiệu này, thì họ sẽ tìm đến thương hiệu khác. Tức là cắt giảm chi phí marketing có thể khiến thương hiệu bị đối thủ khác giành mất thị phần.

Lý thuyết là vậy, tuy nhiên đại dịch Covid-19 là một viễn cảnh mà có lẽ thế giới trước năm 2020 chưa từng nghĩ đến. Trên thực tế, trong hai năm dịch, việc cắt giảm tiền marketing là xu hướng chung.

Năm 2022, Vinamilk đặt ra mục tiêu doanh thu đạt 64.070 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 12.000 tỷ đồng, tương ứng đạt 105% và 93% so với năm 2021. Với kết quả trên, công ty đã không thể hoàn thành kế hoạch đã đề ra năm 2022.

Về tình hình tài chính, tại ngày 31/12/2022 tổng tài sản của Vinamilk đạt 48.483 tỷ đồng, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là tiền, tiền gửi ngân hàng với giá trị 19.714 tỷ đồng, giảm 15,6 so với đầu năm.

Bên cạnh đó, các khoản xây dựng cơ bản dở dang tính đến cuối năm ghi nhận tăng từ 834 tỷ đồng từ đầu kỳ lên 1.470 tỷ đồng tại cuối kỳ, tức tăng 76%.

Xét về cơ cấu nợ, Vinamilk đang sở hữu khối nợ phải trả trị giá 15.666 tỷ đồng, giảm 10% so với số đầu kỳ. Trong đó, nợ vay đến cuối kỳ của công ty là 4.933 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn với chi phí lãi vay cả năm khoảng 166 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 của ông lớn ngành sữa đạt 32.816 tỷ đồng bao gồm 5.267 tỷ quỹ đầu tư phát triển, 3.353 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.