|
VAS được xếp hạng thứ 34 trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2021. |
VAS Nghi Sơn là gì?
VAS Nghi Sơn (viết tắt là VAS) được thành lập năm 1998 là một hệ thống gồm các nhà máy luyện phôi và cán thép với tổng công suất 7 triệu tấn/năm (trong đó 4.450.000 tấn phôi thép vuông; 2.550.000 tấn thép xây dựng).
Sản phẩm thép VAS đã được chứng nhận phù hợp quy chuẩn: QCVN:2011/ BKHCN đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS), tiêu chuẩn Hoa Kỳ (ASTM).
Các sản phẩm thường xuyên được kiểm soát nghiêm ngặt bởi hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001:2008 và một phòng thí nghiệm hiện đại với các thiết bị kiểm tra theo tiêu chuẩn Châu Âu ISO/IEC 17025:2005.
VAS cung cấp cho thị trường các loại thép thanh, thép cuộn với thương hiệu “VAS” bao gồm các mác thép sau: CB 240-T | CB 300-T; CB 300 - V | CB 400 - V | CB 500 - V; SD 295 A | SD 390; Gr40 (300) | Gr60 (420) | Gr 250 | Gr 460.
Hệ thống phân thối
Sản phẩm VAS đã được tín nhiệm không chỉ thị trường trong nước mà đã xuất khẩu được sang nhiều thị trường ở khu vực Asean (như Campuchia, Singapore, Đài Loan, ...), khu vực Châu Á (gồm các nước có yêu cầu khắt khe về chất lượng như Nhật Bản, Hàn Quốc, ...) và đang hướng tới các thị trường như Canada, Mỹ, Australia.
Triết lý kinh doanh và tầm nhìn của VAS
Tầm nhìn: VAS hướng đến việc phát triển bền vững cùng một nền công nghiệp nặng thân thiện với môi trường, hài hòa lợi ích doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và xã hội, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân và niềm tự hào dân tộc.
Triết lý kinh doanh: VAS đề cao chữ Tín trong mối quan hệ với khách hàng cũng như các đối tác kinh doanh, tạo ra giá trị thật nhằm tối ưu và hài hòa lợi ích cho tất cả các bên. Luôn tạo cho khách hàng cảm giác tin cậy thông qua những cam kết và chính sách minh bạch khi triển khai các hoạt động chăm sóc khách hàng cũng như chất lượng sản phẩm.
Mô hình hoạt động và những công ty thành viên của VAS Group
|
Mô hình hoạt động và các công ty thuộc VAS Group. |
Các công ty trong hệ thống VAS Group
Tập đoàn VAS (VASG)
Thành lập năm 2007, Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn hiện nay là Chủ đầu tư Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn với công suất 3.150.000 tấn phôi và 1.500.000 tấn thép xây dựng/năm.
Địa chỉ trụ sở chính: Khu Liên Hợp Gang Thép Nghi Sơn, KKT Nghi Sơn, Phường Hải Thượng, Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa
Văn phòng đại diện: Tầng 4, Tòa nhà HMC, 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM
Mã số thuế: 2801115888
Công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng (DNS)
Thành lập năm 2007, Công ty Cổ phần Thép Đà Nẵng có tổng diện tích 12,8 ha với dây chuyền luyện thép bằng công nghệ lò điện hồ quang rót đáy lệch tâm có công suất 200.000 tấn/năm, cùng với lò tinh luyện LF, máy đúc liên tục 2 dòng cho ra các sản phẩm chất lượng được các đối tác trong và ngoài nước đánh giá cao như Phôi thép vuông 100x100 đến 130x130 (mm) với các mác thép cacbon thấp, trung bình như BCT38, BCT51 và các mác thép hợp kim thấp độ bền cao: SD295, SD390, CB300, CB400, CB400V, … .
Địa chỉ trụ sở chính: Đường Tạ Quang Bửu, KCN Liên Chiểu, Phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng
Mã số thuế: 0400101549
Công ty TNHH MTV Thép VAS An Hưng Tường (AHT)
Thành lập năm 1998, Công ty TNHH MTV Thép VAS An Hưng Tường là hệ thống nhà máy luyện phôi và cán thép. Tổng công suất luyện 500.000 tấn/năm và công suất cán 250.000 tấn/năm.
Hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, Công ty được đánh giá là đơn vị cung cấp các sản phẩm thép chất lượng cao được các đối tác trong và ngoài nước tin dùng.
Trụ sở: Khu phố 3, Phường Tân Định, Thị xã Bến Cát, Tỉnh Bình Dương
Văn phòng đại diện: Tầng 10, Tòa nhà HMC, 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh
Mã số thuế: 3700256179
Công ty TNHH MTV Thép VAS Nghi Sơn (NSS)
Thành lập năm 2018, Công ty TNHH MTV Thép VAS Nghi Sơn với 100% vốn sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn.
Địa chỉ trụ sở chính: Khu Liên Hợp Gang Thép Nghi Sơn, KKT Nghi Sơn, Phường Hải Thượng, Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa
Văn phòng đại diện: Tầng 10, Tòa nhà HMC, 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường Đakao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Mã số thuế: 2802566890
Công ty TNHH Thép VAS Việt Mỹ (VMS)
Thành lập năm 2008, Công ty TNHH Thép VAS Việt Mỹ hiện nay là một hệ thống các nhà máy cán thép với tổng công suất đạt 250.000 tấn/ năm.
Thép VAS Việt Mỹ đã góp mặt trên nhiều công trình, dự án quy mô lớn tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tôn lên dáng vóc cũng như gia tăng tuổi thọ công trình, được các nhà thầu đánh giá cao: Nhà làm việc không thường xuyên của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tại Đà Nẵng, Dự án khu chưng cư nhà xã hội KCN Hòa Khánh, Tòa nhà Đa năng Trường Đại Học Bách Khoa Đà Nẵng – TP.Đà Nẵng, ... .
Trụ sở: Đường số 2, KCN Hòa Khánh, Phường Hòa Khánh Bắc, Quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng
Mã số thuế: 0400682519
Công ty CP Thép VAS Tuệ Minh
Thành lập năm 2010, Công ty CP Thép VAS Tuệ Minh là hệ thống nhà máy luyện phôi và cán thép. Tổng công suất Nhà máy 500.000 tấn/ năm (bao gồm 500.000 tấn phôi thép và 500.000 tấn thép cán).
Công ty cho ra các sản phẩm phôi thép và thép xây dựng chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Trụ sở: Lô A5, Đường D2, KCN KSB (Khu B), Xã Đất Cuốc, Huyện Bắc Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương
Văn phòng đại diện: Tầng 10, Tòa nhà HMC, 193 Đinh Tiên Hoàng, Phường ĐaKao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Mã số thuế: 3701729269
Công ty TNHH Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn
Thành lập năm 2017, Công ty TNHH Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn được với 100% vốn sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp tải trọng đến 70.000 DWT giảm tải và chở hàng container tải trọng đến 30.000 DWT, tàu chở hàng lỏng đến 70.000 DWT.
Trụ sở: Thôn Hà Tân, Xã Hải Hà, Thị xã Nghi Sơn, Tỉnh Thanh Hóa
Mã số thuế: 2802454629
Bí ẩn đại gia đứng đằng sau VAS Group - Nguyễn Bảo Giang
|
Ông Nguyễn Bảo Giang. |
Thành lập từ năm 1998, có thể nói VAS An Hưng Tường là pháp nhân lõi trong hệ thống VAS Group của ông Nguyễn Bảo Giang (SN 1976).
Tính đến tháng 12/2019, vốn điều lệ của VAS An Hưng Tường đạt mức 700 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Bảo Giang sở hữu tới 88,73% vốn điều lệ. Phần vốn còn lại thuộc về ông Nguyễn Bảo Khánh (4,13%) và CTCP Gang Thép Nghi Sơn (7,14%).
Theo giới thiệu trên trang chủ, VAS An Hưng Tường hiện sở hữu nhà máy có diện tích 10 ha tại khu phố 3, phường Tân Định, Tx. Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Nhà máy này có công suất sản xuất phôi thép đạt 500.000 tấn/năm, công suất cán thép đạt 250.000 tấn/năm.
Giai đoạn 2016 - 2019, VAS An Hưng Tường (công ty mẹ) đều đặn ghi nhận doanh thu lên tới hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Chỉ tiêu này đạt đỉnh vào năm 2018, với giá trị ghi nhận ở mức 8.532 tỉ đồng. Cũng trong năm 2018, VAS An Hưng Tường báo lãi sau thuế lên tới 265,2 tỉ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của VAS An Hưng Tường đạt 3.494 tỉ đồng, tăng nhẹ 0,7% so với đầu năm.
Ngoài Thép Đà Nẵng (DNS), VAS An Hưng Tường còn nắm giữ cổ phần chi phối tại Công ty TNHH MTV Thép VAS Việt Mỹ (VAS Việt Mỹ) và CTCP Thép VAS Tuệ Minh (VAS Tuệ Minh), lần lượt với tỷ lệ sở hữu 76,78% và 65,37% vốn điều lệ.
Trong đó, VAS Việt Mỹ được thành lập vào tháng 12/2008, đặt trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng. Công ty này sở hữu một hệ thống các nhà máy luyện phôi và cán thép với tổng công suất mỗi năm khoảng 1 triệu tấn phôi và 1 triệu tấn thép xây dựng.
VAS Tuệ Minh được thành lập vào tháng 6/2010, sở hữu nhà máy có tổng diện tích 10,6 ha tọa lạc tại Khu công nghiệp KSB, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, với dây chuyền luyện thép và thép cán có công suất đạt 500.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, hiệu suất sinh lời của VAS Việt Mỹ và VAS Tuệ Minh các năm gần đây ở mức rất khiêm tốn.
Năm 2019, VAS Việt Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.108 tỉ đồng, báo lãi sau thuế 26,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,8%. Trong khi đó, VAS Tuệ Minh ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.306 tỉ đồng, báo lãi sau thuế vỏn vẹn 3,18 tỉ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 0,07%.
|
Tỷ lệ sở hữu của ông Nguyễn Bảo Giang trong hệ thống VASG. Ảnh Viettimes |
Ông Nguyễn Bảo Giang còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Gang Thép Nghi Sơn. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 12/2007, trụ sở chính hiện đóng tại Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.
Tính đến tháng 7/2019, Gang Thép Nghi Sơn có vốn điều lệ 2.746,7 tỉ đồng, trong đó ông Nguyễn Bảo Giang là cổ đông lớn nhất góp 1.565,7 tỉ đồng, sở hữu 57% vốn điều lệ. Bà Huỳnh Thị Quỳnh Như - phu nhân của ông Nguyễn Bảo Giang - đứng tên 14,76 triệu cổ phần, tương đương 5,37% vốn điều lệ. Hai cổ đông còn lại là VAS An Hưng Tường (4%) và CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nghi Sơn (31,57%).
Gang Thép Nghi Sơn là chủ đầu tư Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn với công suất 7 triệu tấn/năm (khởi công giai đoạn 1 vào Quý 4/2016) và dự án Cụm Cảng Tổng hợp quốc tế Gang thép Nghi Sơn gồm 9 bến cảng (khởi công vào tháng 9/2015).
Tháng 10/2020, công ty này tổ chức lễ khánh thành dự án Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn giai đoạn 1 (thuộc Khu liên hợp Gang thép Nghi Sơn) với tổng mức đầu tư 4.980 tỉ đồng. Nhà máy có năng lực sản xuất 1 triệu tấn phôi thép và 1 triệu tấn thép cán thành phẩm mỗi năm.
Năm 2016, Gang Thép Nghi Sơn có kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 309,2 tỉ đồng và 187 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 60,5%.
Các năm 2017 và 2018, doanh thu thuần của Gang Thép Nghi Sơn chỉ đạt 113 - 115 tỉ đồng, giảm khoảng 63% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh xuống còn 32,7 tỉ đồng (năm 2017) và 2,1 tỉ đồng (năm 2018).
Tới năm 2019, doanh thu của Gang Thép Nghi Sơn bật tăng trở lại với mức tăng gấp hơn 7 lần so với năm trước, đạt 838,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, công ty lại báo lỗ sau thuế lên tới 102,8 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Gang Thép Nghi Sơn đạt 10.436 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 2.707 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 79,4% và 4,2% so với hồi đầu năm.
Thép Đà Nẵng hủy tư cách đại chúng từ 2021
Tháng 6/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Văn bản số 2811/UBCK-GSĐC về việc huỷ tư cách đại chúng của Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng (mã cổ phiếu DNS). Như vậy, công ty thép này chính thức rời khỏi sàn chứng khoán sau hơn 10 năm kể từ khi lên UPCoM vào năm 2010.
Việc hủy tư cách công ty đại chúng của Thép Đà Nẵng được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 23/4/2021. Nguyên nhân là tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn chiếm 97,15% số cổ phần có quyền biểu quyết, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông khác chỉ chiếm 2,85%, không đảm bảo điều kiện tối thiểu 10% theo quy định.
Điều khá bất ngờ là quyết định trên được đưa ra khi doanh nghiệp đang có những tín hiệu tốt trong kinh doanh. Cụ thể, quý II/2021, Công ty đạt doanh thu thuần 617 tỷ đồng, tăng 93% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp đạt hơn 62 tỷ đồng, cao gấp 7,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các khoản chi phí, Thép Đà Nẵng lãi sau thuế 45,2 tỷ đồng, cao gấp hơn 32 lần quý II/2020. Đây cũng là quý lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của Thép Đà Nẵng đạt 1.023 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế gần 85 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, Công ty đã đạt được khoảng 62% mục tiêu cả năm về doanh thu và vượt tới 111% mục tiêu về lợi nhuận trước thuế.
Dù lãi lớn những tháng đầu năm 2021, nhưng Thép Đà Nẵng vẫn còn chồng chất khó khăn phía trước. Công ty vẫn bị âm dòng tiền kinh doanh khá lớn khi lưu chuyển tiền thuần trong hoạt động kinh doanh quý I/2021 âm tới 123,8 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với mức âm 14 tỷ đồng cách đó một năm.
Tại Đại hội đồng cổ đông ngày 23/4/2021, Thép Đà Nẵng có 160 cổ đông, trong đó Tổng công ty Thép Việt Nam có tỷ lệ sở hữu tại ngày 31/12/2009 là 30%. Hai cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Bảo Giang sở hữu 22,14% và bà Huỳnh Thị Quỳnh Thư (vợ ông Giang) sở hữu 10,14%.
Tháng 6/2018, ông Nguyễn Bảo Giang chuyển nhượng phần lớn cổ phiếu cho công ty do ông Giang làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên là Công ty TNHH Thép An Hưng Tường. Trong tháng 5 vừa qua, một công ty khác do ông Giang làm chủ tịch là Công ty TNHH Nhân Lạc bán ra toàn bộ 18.000 cổ phiếu DNS.
Câu hỏi đặt ra là liệu quyết định huỷ tư cách đại chúng của Thép Đà Nẵng có đồng nghĩa với việc khả năng thoái vốn của Tổng công ty Thép Việt Nam tại công ty liên kết này rơi vào “cửa hẹp”. Năm 2016, Tổng công ty Thép Việt Nam từng lên phương án thoái toàn bộ hơn 6,73 triệu cổ phần của Thép Đà Nẵng với giá khởi điểm 8.800 đồng/cổ phần và không thấp hơn mức sàn của cổ phiếu DSN tại ngày chuyển nhượng, nhưng bất thành.
Trên báo cáo tài chính của Tổng công ty Thép Việt Nam, giá gốc khoản đầu tư vào Thép Đà Nẵng là 71,642 tỷ đồng, tương đương bình quân 10.645 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể thị giá 22.500 đồng/cổ phiếu tại ngày 25/6.
Vị thế của VAS trong ngành thép Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam đứng thứ 12 thế giới về sản xuất thép thô năm 2021 với sản lượng hơn 23 triệu tấn, gồm phôi thép vuông, thép dẹt, bloom và blank. Trong đó, VAS đóng góp khoảng gần 3 triệu tấn/năm.
Năm 2021, Tập đoàn VAS đã chính thức xuất khẩu thương mại lô thép cuộn đầu tiên sang thị trường Nhật Bản. Đến thời điểm hiện tại, thép VAS là thương hiệu thứ 2 của Việt Nam chinh phục thành công thị trường này.
Tháng 6/2022, Tập đoàn VAS đã ký kết thành công hợp đồng xuất khẩu lô hàng phôi thép đầu tiên sang Guatemala - thị trường Trung Mỹ. Được biết, khu vực Trung Mỹ là thị trường khá tiềm năng nhưng cũng khá mới đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành thép do khoảng cách địa lý xa xôi và nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển.
Trải qua nhiều quy định xuất xứ nghiêm ngặt, quy trình kiểm định gắt gao, yêu cầu chất lượng chuẩn quốc tế và thời gian giao hàng, sản phẩm thép VAS đã chinh phục thành công khách hàng Guatemala khó tính ở bên kia bán cầu, đặt dấu ấn thép Việt Nam đầu tiên tại thị trường Trung Mỹ.
https://sohuutritue.net.vn/vas-nghi-son-la-cong-ty-gi-va-vai-tro-cua-vas-nghi-son-trong-nganh-thep-viet-nam-d148448.html